Cách vươn lên độc đáo của phụ nữ vùng sâu Đắk Nông

Hùn vốn giúp nhau xây dựng nhà ở, mua đất rẫy sản xuất là cách mà phụ nữ thôn Đắk Ri, xã Tân Thành, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Nếu không thử sẽ không thành

Chúng tôi được lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Tân Thành dẫn đến thôn Đắk Ri để gặp gỡ, tìm hiểu về những ngôi nhà gọi tên phụ nữ. Hai bên đường chính dẫn vào thôn đều là những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, hiện đại được dựng xây san sát nhau. Nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Thành cho biết, những căn nhà này phần lớn được xây từ sự nỗ lực của gia đình và hỗ trợ, giúp đỡ của phụ nữ trong thôn. Do đó, bà con trong thôn thường gọi với cái tên thân thương ngôi nhà mang tên phụ nữ.

Cách vươn lên độc đáo của phụ nữ vùng sâu Đắk Nông - 1

Các chị em phụ nữ thôn Đắk Ri, xã Tân Thành, huyện Krông Nô chia sẻ về quá trình thành lập mô hình Tổ hùn vốn giúp nhau làm nhà ở, mua đất rẫy.

Chúng tôi được các chị, em trong trang phục của đồng bào Dao đón tiếp niềm nở, thân tình. Bà Hoàng Mùi Phẩy, Bí thư Chi bộ thôn Đắk Ri cho biết, đa số người dân trong thôn đều là dân tộc Dao, từ phía Bắc vào sinh sống. Khi mới vào đây, cuộc sống bà con đa phần khó khăn, lo ăn uống qua ngày đã khó, chưa nói đến việc dựng nhà cửa kiên cố.

Năm 2014, nhóm có 6 chị em ngồi nói chuyện, tâm sự rồi nảy ra ý định ai làm nhà thì những người còn lại sẽ tùy vào điều kiện giúp đỡ ít nhiều. Bà Phẩy cho hay: "Lúc đầu, các chị, em ít nhiều phân vân, lo lắng không biết góp như thế nào, có hiệu quả không... Tôi động viên, mình đều là hàng xóm gần gũi, cùng ở quê vào đây nên đùm bọc, giúp đỡ, tin tưởng nhau là chính. Đồng tiền khó nhọc làm ra, lo lắng là điều hiển nhiên, nhưng nếu không thử thì sẽ không thành. Từ đó, chị, em đều đồng thuận và thực hiện".

Cách vươn lên độc đáo của phụ nữ vùng sâu Đắk Nông - 2

Dọc hai bên đường vào thôn Đắk Ri, xã Tân Thành, huyện Krông Nô là những ngôi nhà khang trang được làm từ sự nỗ lực của mỗi gia đình và giúp đỡ của chị em phụ nữ trong thôn.

Chị Phùng Mùi Chài là người đầu tiên triển khai xây nhà ở vào năm 2014. Sau nhiều năm lao động, tích góp, chị Chài có số tiền 400 triệu đồng, trong khi dự định làm nhà khoảng 800 triệu đồng. Lúc chị Chài nói cần thêm 400 triệu đồng, các chị em còn lại đều sẵn sàng giúp đỡ.

"Chị em giúp mình không tính lãi và không quy định thời gian hoàn trả nên mình rất yên tâm. Tuy nhiên, không vì thế mà mình dây dưa, ỷ lại. Mình hứa với chị em, có nhà cửa ổn định, cố gắng lao động để trả lại số tiền tương ứng và giúp đỡ các chị khác khi làm nhà. Cũng nhờ có sự trợ giúp từ chị, em, gần 10 năm nay, gia đình mình được ở trong căn nhà kiên cố, thoáng mát", chị Chài chia sẻ.

Năm 2014, căn nhà của chị Chài được xem là hiện đại nhất, đẹp nhất thôn. Gia đình chị Chài có 4ha đất, trong đó có 3ha cà phê và 1ha trồng cây ngắn ngày. Đúng lời hứa, chưa đầy 3 năm sau, nhờ vợ chồng đồng thuận chăm lo phát triển kinh tế, gia đình chị Chài không chỉ hoàn trả được hết số tiền chị em hỗ trợ, giúp đỡ mà còn giúp thêm những chị khác số vốn nho nhỏ để làm nhà ở.

Đầu năm 2024, chị Bàn Mùi Pham bắt đầu khởi công xây dựng nhà ở. Theo dự toán, căn nhà thi công hết khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng, trong đó gia đình chị Pham đã có một nửa. Trước khi làm nhà, chị Pham đã bàn bạc, trao đổi với các chị em trong tổ về kế hoạch, dự toán kinh phí xây dựng và được tất cả chị em đồng thuận hỗ trợ.

"Làm nhà mà không phải lo lắng xem vay ở đâu, lãi suất bao nhiêu nên mình mừng lắm. Con người mình cũng thoải mái hơn, vui vẻ hơn, có động lực để lao động, phát triển kinh tế sớm hoàn trả cho chị em. Nếu không có sự hỗ trợ, giúp nhau thế này, tôi chỉ dám xây nhà nhỏ, có bao nhiêu làm bấy nhiêu mà thôi", chị Pham phấn khởi.

Ai có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít

Thôn Đắk Ri có 175 hộ với 881 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao di cư từ phía Bắc vào. Theo bà Hoàng Mùi Phẩy, qua nắm bắt, thấy nhiều chị, em mong muốn có được căn nhà đàng hoàng, kiên cố, rộng rãi để sinh sống. Tuy nhiên, để có thể làm căn nhà như vậy đòi hỏi các chị phải chắt chiu, tích góp nhiều năm, thậm chí còn phải đi vay ngân hàng, vay lãi suất từ người khác. Vì vậy, Chi hội Phụ nữ thôn phát động chị em xây dựng mô hình Tổ hùn vốn để giúp nhau làm nhà, mua đất sản xuất từng bước an cư lạc nghiệp, bảo đảm sinh kế lâu dài.

Ban đầu, các chị là họ hàng, các hộ ở gần giúp nhau mua đất rẫy để sản xuất và làm nhà với hình thức cho vay không tính lãi, không giới hạn thời gian trả nợ, ai có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít tùy điều kiện bên được giúp.

Khi bên giúp cần vốn làm nhà hoặc mua đất thì bên được giúp sẽ trả lại gốc và tùy khả năng để giúp lại nhau số tiền còn thiếu. "Chúng tôi tùy điều kiện, người vài chục triệu đồng nhưng có người giúp hàng trăm triệu đồng với mong ước chị em sẽ có nhà ở kiên cố, khang trang, bớt được phần tiền lãi và nỗi lo đáo hạn. Chúng tôi giúp nhau dựa trên sự tin tưởng, tín nhiệm, tình làng nghĩa xóm, không cần giấy tờ, sổ sách", bà Phẩy cho biết.

Điều đáng mừng, qua một thời gian hoạt động, chị em nhận thấy đây là mô hình rất hay, hiệu quả nên đã mở rộng từ anh em họ hàng đến hàng xóm trong thôn.

Hiện nay, mô hình này đã được một số thôn khác học tập làm theo với quy mô, cách thức phù hợp với mong ước ngày càng có nhiều chị em, phụ nữ thực hiện được ước mơ ở trong những căn nhà ấm cúng, khang trang, có điều kiện vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình, địa phương.

"Chi hội Phụ nữ thôn Đắk Ri đã chứng minh, học tập và làm theo Bác không phải là nói cho hay, làm những việc lớn, việc to mà chỉ cần làm những việc phù hợp, mang lại hiệu quả. Đặc biệt, thông qua mô hình Tổ hùn vốn giúp nhau làm nhà ở, mua đất rẫy sản xuất đã góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, cùng nhau vượt khó vươn lên của chị em, phụ nữ thôn Đắk Ri nói riêng, bà con các dân tộc trong thôn nói chung. Việc làm của phụ nữ thôn Đắk Ri đã góp phần không nhỏ vào công tác xóa nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương", ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Thành đánh giá.

Hoàng Bảo

Theo baodaknong.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm