1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Các thành viên Chính phủ rất day dứt khi chưa làm tốt”

(Dân trí) - Thực trạng của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã được nhiều đại biểu Quốc hội khắc họa sinh động, rõ nét. Đáp lại, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, các thành viên Chính phủ rất day dứt khi chưa làm tốt…

Ngày 10/6, Quốc hội đã nghe và thảo luận về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lí chất lượng vệ sinh, an toàn, thực phẩm.
 
Sản phẩm nhiễm chất độc hại lưu hành tràn lan
 
Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) “băn khoăn” khi báo cáo Chính phủ nói từ năm 2005 - 2008 nhận thức của người sản xuất thực phẩm tăng từ 47,8% lên 49,4%, của người kinh doanh thực phẩm tăng từ 38,6% lên 49,4%, của người tiêu dùng tăng từ 38,3% lên 48,6%.
 
“Về vấn đề này tôi không rõ Chính phủ lấy cơ sở nào, căn cứ nào mà đánh giá nhận thức của cộng đồng ngày một tăng như vậy”, bà Anh đặt câu hỏi.
 

Diện tích rau an toàn mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích, diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20% và 58,1% gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát.

Cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm đạt yêu cầu giảm từ 61% giai đoạn 2004 – 2007 xuống xuống 51% giai đoạn 2007 – 2008 (Trích báo cáo giám sát).

Theo bà Anh, tình trạng vi phạm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều ở mức báo động. Những con số về diện tích trồng rau quả an toàn thấp và số gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát chưa cao đã đủ gây nên sự lo lắng, bất an cho người tiêu dùng.
 
Dẫn ra con số từ Bộ Y tế là hiện có đến 60 triệu dân Việt Nam tức là gần 2/3 dân số nước ta đang mang giun, sán trong người, đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) chỉ rõ, nguồn thực phẩm ô nhiễm gây ra hậu quả trên. Chưa hết, đó còn là nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến giống nòi và làm tăng chi phí xã hội cho chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Theo bà Hằng, nguồn lực ít, hàng rào tiêu chuẩn kĩ thuật mong manh, mức xử phạt quá nhẹ nhàng là những tác nhân khiến cho những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn kĩ thuật và nhiễm hóa chất độc hại lưu hành tràn lan trong hệ thống phân phối lưu thông.
 
Trong khi đó, người dân không được cảnh báo nên cứ “tiêu dùng” mà không biết sức khỏe của mình đang bị tổn hại do sử dụng những sản phẩm không đảm bảo an toàn vì chưa được kiểm định.
 
Đáng nói nữa, chưa có một nghiên cứu khảo sát nào đánh giá sự tổn hại ấy để buộc những nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn phải bồi thường thỏa đáng cho người đã tiêu dùng chúng.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) bổ sung, nhiều năm liền trái cây, rau, củ, quả nhập khẩu qua biên giới không thể kiểm soát được chất lượng, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật làm cho người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
 
“Các thành viên Chính phủ rất day dứt khi chưa làm tốt” - 1
Đại biểu Dương Kim Anh: "tình trạng vi phạm đều ở mức báo động".
 
Đặc biệt, sản phẩm sữa là hàng giả, hàng kém chất lượng bị thu giữ có xu hướng tăng đáng kể. Năm 2007 có 21.998 hộp, năm 2008 có 71.728 hộp sản phẩm sữa có nhiễm melamin, sữa có hàm lượng protein thấp, không đúng tiêu chuẩn công bố.
 
Các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là trẻ em bị suy dinh dưỡng, hạn chế phát triển chiều cao, người già, người bệnh, người tàn tật phải chịu cảnh "tiền mất, tật mang".
 
“Một số thiếu sót là có”
 
Đại biểu Nguyễn Thị Mai đề nghị, cần có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các cơ sở có hành vi vi phạm đến chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Có chính sách khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những đơn vị doanh nghiệp làm ăn chân chính, phát triển ngày càng mạnh mẽ, trở thành tập đoàn, công ty phân phối hàng thực phẩm mạnh, nắm giữ chi phối phần lớn hàng hóa, thực phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, làm chỗ dựa đáng tin cậy cho người tiêu dùng và cũng là niềm tự hào của đất nước.
 
Đại biểu Trương Thị Thu Hằng đặt vấn đề, liệu chúng ta có thể xây dựng một thiết chế duy nhất chịu trách nhiệm kiểm tra thực phẩm được sản xuất tại Việt Nam cũng như nhập khẩu vào Việt Nam, bảo đảm cho thực phẩm khi lưu hành trên thị trường thực sự an toàn, không có độc tố và chất lượng đúng với các thông tin về sản phẩm ghi trên nhãn mác như FDA, một tổ chức quản lý thực phẩm đầy uy tín của Hoa Kỳ không.
 
“Các thành viên Chính phủ rất day dứt khi chưa làm tốt” - 2
Đại biểu Nguyễn Thị Mai: "Xây dựng những tập đoàn mạnh, chi phối phần lớn hàng hóa, thực phẩm bảo đảm VSATTP".
 
Trong khi nhiều đại biểu thể hiện sự lo lắng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu trong phát biểu giải trình tỏ ra lạc quan hơn. Theo ông Triệu, tuổi thọ trung bình ở ta hiện nay là 72 tuổi, trong khi các nước có trình độ phát triển kinh tế tương tự chỉ đạt 62 - 64 tuổi; suy dinh dưỡng giảm từ 51% xuống 19% sau 20 năm đổi mới; xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 12 tỉ USD và đều xuất vào những nước rất ‘kĩ tính” về an toàn thực phẩm.
 
Ông Triệu cho rằng, một số thiếu sót là có, nhưng do truyền thông có tính dự báo nên gây ra hoang mang, lo lắng quá mức.
 
Về trách nhiệm, theo ông Triệu, Chính phủ sẽ kiểm điểm căn cứ theo Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm. “Các thành viên Chính phủ cũng rất day dứt, rất đau khổ khi làm chưa tốt, chứ không phải không có trách nhiệm cụ thể”, ông Triệu nhấn mạnh.
 
Ông kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về vấn đề VSATTP gắn với vấn đề xây dựng bộ máy cho công tác VSATTP ngang tầm, đầu tư tương xứng yêu cầu để công việc sớm đi vào nền nếp...
 
Cấn Cường