Các nước đặc biệt lo ngại việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam
(Dân trí) - Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam luôn là nội dung được trao đổi tại các Hội nghị ASEAN và các hội nghị liên quan. Nhiều nước thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng SOM ASEAN Việt Nam - cho biết như vậy khi trao đổi về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị liên quan, vừa diễn ra tại Bangkok - Thái lan.
- Phóng viên: Thứ trưởng là thành viên đoàn ngoại giao Việt Nam trực tiếp tham dự Hội nghị Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị liên quan những ngày qua, xin ông cho biết vấn đề “nóng” nào được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng như Bộ trưởng các nước Đối tác quan tâm thảo luận nhiều nhất?
- Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Có khá nhiều vấn đề thời sự nhận được sự quan tâm của các Bộ trưởng tham gia Hội nghị lần này. Trong đó có các vấn đề liên quan đến cọ xát thương mại Mỹ-Trung, duy trì hệ thống thương mại đa phương, Hiệp định RCEP, căng thẳng thương mại Nhật-Hàn.
Về an ninh, Hội nghị dành thời gian trao đổi nhiều về tình hình Biển Đông, vấn đề Bán đảo Triều Tiên, tình hình bang Rakhine ở Myanmar, các vấn đề về chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia...
- Như vậy vấn đề Biển Đông được các nước rất quan tâm. Ông có thể thông tin các nước đã đánh giá thế nào về diễn biến gần đây trên Biển Đông?
- Biển Đông luôn là nội dung được trao đổi tại các Hội nghị ASEAN. Lần này, do tình hình diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là vụ việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, đã thu hút sự quan tâm của các nước.
Nhiều Bộ trưởng thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Tất cả các nước đều phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an tòan, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, kêu gọi các bên kiềm chế, thực hiện nghiêm túc DOC, mong muốn sớm có được COC chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và mang tính bền vững.
Phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tại Hội nghị về vấn đề này rất thẳng thắn, chân thành, trên tinh thần xây dựng và hữu nghị. Vì thế, đã được nhận sự chia sẻ và ủng hộ của nhiều nước.
- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 vừa diễn ra tại Bangkok - Thái Lan?
- Nhìn chung, Hội nghị lần này đạt nhiều kết quả tốt, thể hiện ở các điểm.
Một là, tiến trình xây dựng Cộng đồng được tiếp tục thúc đẩy, nhận được sự cam kết mạnh mẽ từ tất cả các nước thành viên ASEAN. Hầu hết các chương trình hành động, kế hoạch công tác được triển khai tích cực, hoàn thành đúng tiến độ. Các nước cam kết nỗ lực thúc đẩy xây dựng Cộng đồng trên cả ba trụ cột là Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội.
Tại Hội nghị, nhiều nội dung hợp tác thiết thực được các nước thúc đẩy như chống rác thải biển, tận dụng công nghệ mới, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường kết nối doanh nghiệp, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với cách mạng 4.0...
Hai là, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác được đẩy mạnh. Các nước đối tác đều tỏ rõ sự quan tâm và muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với ASEAN, đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất hợp tác mới. Như vậy có thể nói, qua Hội nghị lần này, vai trò, vị thế của ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực được tiếp tục được đẩy mạnh và được tất cả các nước đối tác đặc biệt coi trọng.
- Trong Thông cáo chung của Hội nghị năm nay đề cập tới những quan ngại về vấn đề Biển Đông. Thứ trưởng cho biết đánh giá của ông về Thông cáo này?
- Thông cáo chung luôn là văn kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN. Việc thương lượng luôn mất rất nhiều thời gian. Lần này cũng vậy, các nước đã phải dành rất nhiều công sức song trên tinh thần thiện chí, xây dựng, hiểu biết, chia sẻ quan tâm của nhau, ASEAN đã đạt được Thông cáo chung.
Tôi cho rằng, Thông cáo chung năm nay có nội dung tốt, toàn diện, thể hiện được đầy đủ kết quả của tiến trình hợp tác ASEAN và phản ánh được các vấn đề các nước quan tâm.
- Các nước Đối tác đánh giá thế nào về Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thưa ông?
- Đây là Tài liệu thể hiện quan điểm độc lập của ASEAN về hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm các nguyên tắc, tiêu chí mà ASEAN xác định để tiến hành các hoạt động hợp tác cả về an ninh, chính trị và kinh tế, phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Những nguyên tắc, tiêu chí này đều được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, nên được các đối tác của ASEAN ủng hộ. Việc triển khai hợp tác cụ thể trong thời gian tới sẽ tiếp tục được trao đổi, bàn bạc trong ASEAN.
- Xin cảm ơn ông!
Phản ứng về việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.
Những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo: Mỹ luôn là bạn và là đối tác tin cậy của ASEAN, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN đóng góp duy trì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần có tiếng nói kiên quyết, không nên lảng tránh những vấn đề phức tạp.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước Đông Á: Các hành vi quân sự hóa và các hoạt động đe dọa hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng và tác động bất lợi đến môi trường hòa bình, ổn định chung ở khu vực. Mọi đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên các cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế, không đồng tình với các hành động gây “o ép” để khẳng định đòi hỏi chủ quyền.
Ngoại trưởng Úc - Mỹ - Nhật Bản ra Tuyên bố chung lên án hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông; bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về những diễn biến tiêu cực ở Biển Đông, gồm việc triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến ở những thực thể tranh chấp; tái khẳng định cam kết đối với luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar: Ấn Độ mong muốn tiếp tục hợp tác về dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông và có lập trường chung về Biển Đông với Việt Nam.
Châu Như Quỳnh