1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Bồi thường cho người bị oan sai, muốn nhanh cũng không được”

(Dân trí) - “Các văn bản hiện nay quy định cứng như thế rồi nên không thể nào làm khác được. Nếu làm không đúng pháp luật thì cơ quan cấp tiền là Bộ Tài chính họ cũng không cấp số tiền bồi thường đó cho đương sự”- quyền Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Văn Bốn nói.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp diễn ra chiều 17/4, báo chí đặt câu hỏi về việc tại sao những người bị oan sai như ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) lại chậm trễ được bồi thường như vậy? Quy định bắt buộc những người như ông Chấn, ông Phi phải tự chứng minh thiệt hại để yêu cầu cơ quan liên quan bồi thường oan sai có khác nào đang làm khó cho họ?

Gia đình ông Chấn tại buổi xin lỗi của TAND Tối cao ngày 17/4 (Ảnh: Thái Cường).
Gia đình ông Chấn tại buổi xin lỗi của TAND Tối cao ngày 17/4 (Ảnh: Thái Cường).

Ông Nguyễn Văn Bốn - quyền Cục trưởng Cục bồi thường Nhà nước - cho rằng vấn đề bồi thường là chuyện rất khó và mới ở Việt Nam nên trong triển khai, thực thi cũng vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

“Bản thân trách nhiệm bồi thường hiện nay đang phân tán: Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý trong hai lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án dân sự; Tòa án và cơ quan tố tụng thì lại bồi thường trong lĩnh vực tố tụng. Trong thời gian qua với tư cách là cơ quan phối hợp, chúng tôi rất tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết dứt điểm các vụ việc báo chí nêu như vụ ông Phi và vụ ông Chấn. Nhưng vì quy định của luật với mô hình phân tán như vậy, nên dù Luật trách nhiệm Bồi thường nhà nước đều đã có văn bản hướng dẫn thông qua các thông tư liên tịch giữa các bộ ngành rất chi tiết, cụ thể, nhưng chúng tôi rất chia sẻ với người dân về vấn đề này”- ông Bốn nói.

Gia đình ông Chấn tại buổi xin lỗi của TAND Tối cao ngày 17/4 (Ảnh: Thái Cường).
Ông Nguyễn Văn Bốn cho rằng yêu cầu người oan sai phải chứng minh thiệt hại đang có vấn đề.

Theo ông Bốn, việc yêu cầu người dân bị oan sai phải chứng minh thiệt hại của mình trong suốt thời gian đó là một vấn đề cần phải nghiên cứu lại để làm sao người dân được bồi thường nhanh nhất.

“Các văn bản hiện nay quy định cứng như thế rồi nên không thể nào làm khác được. Việc này có thể vi phạm về thời gian bồi thường nhưng nếu không làm đúng như quy định thì cũng không thể lấy được tiền để bồi thường cho người bị oan sai. Nếu làm không đúng pháp luật thì cơ quan cấp tiền là Bộ Tài chính họ cũng không cấp số tiền bồi thường đó cho đương sự”- ông Bốn phân trần.

Ông Bốn cho biết đơn vị này đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tư pháp tổng kết 5 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Trên cơ sở đó sẽ có điều kiện để đánh giá trúng, chính xác nhất những bất cập hiện tại để xây dựng Luật này vừa phục vụ cho nhà nước, vừa phục vụ cho dân, đáp ứng đúng yêu cầu giải quyết quyền lợi cho người dân nhanh nhất, tốt nhất.

Cũng trong ngày hôm qua (17/4, tại tỉnh Bắc Giang, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Tuy nhiên đến nay số tiền mà gia đình ông Chấn đòi bồi thường cho 10 năm ngồi tù oan (10 tỷ đồng) vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực.

Trong khi đó, ngày 26/4/2000, bản án phúc thẩm của TAND Tối cao đã tuyên ông Phi không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và hủy bản án sơ thẩm đối với tội “Trốn thuế” để điều tra lại. Ngày 13/6/2006, TAND tỉnh Thái Bình thay mặt các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình công khai xin lỗi ông Phi. Đến ngày 29/2013, TAND TP Thái Bình tuyên phạt TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho ông Lương Ngọc Phi số tiền hơn 21 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay ông Phi cũng chưa nhận được đồng nào.

Thế Kha