Bộ Y tế: Dịch bệnh tại TPHCM có xu hướng giảm trong vài tuần tới
(Dân trí) - Theo Bộ Y tế, tình hình dịch tại TPHCM đã bước đầu có những dấu hiệu tích cực và sẽ có xu hướng giảm trong một vài tuần tới nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt như hiện nay.
Chiều 13/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19 sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch tại TPHCM đã bước đầu có những dấu hiệu tích cực và sẽ có xu hướng giảm trong một vài tuần tới nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt như hiện nay. Các địa phương lân cận TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An có nguy cơ bùng phát rất cao; nếu không quyết liệt, triệt để thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh mẽ thì tình hình dịch sẽ thực sự diễn biến phức tạp.
Một số địa phương có số lượng lớn trường hợp đã đi về từ vùng dịch, có thể vẫn chưa được giám sát, quản lý triệt để, dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch.
Tại Hà Nội, các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ đã được thực hiện quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời, triệt để. Hà Nội cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn ở mức cao do nhiều ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây, xuất hiện rải rác tại nhiều địa điểm trên địa bàn và đã ghi nhận các ca mắc tại chợ, siêu thị, các cơ sở sản xuất...
Điểm mới trong khoanh vùng, cách ly, điều trị
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận cụ thể về những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chống dịch trên cả nước trong thời gian qua, nhất là tại TPHCM, để đưa vào kịch bản ứng phó dịch bệnh thời gian tới.
Theo đó, kinh nghiệm lớn nhất tại các địa phương cho thấy, trước hết phải bảo vệ vững chắc vùng an toàn (vùng xanh), đồng thời bao vây, thu hẹp vùng nguy cơ cao (vùng cam), rất cao (vùng đỏ); tất cả các địa phương phải rà soát để phát hiện người đến/về từ nơi khác; đảm bảo đúng tinh thần quản lý "ai ở đâu ở đó".
Một hướng thay đổi chiến lược trong công tác điều trị là hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 nhẹ, không triệu chứng tự chăm sóc, điều trị. TPHCM đã phổ biến các đơn thuốc, phương pháp tự chăm sóc, theo dõi, bảo vệ sức khỏe cho người dân tại các khu cách ly, phong tỏa… Hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để giảm tải cho lực lượng y tế.
Để người dân không ra khỏi nhà trừ trường hợp thật cần thiết, kinh nghiệm cho thấy, cần có hệ thống phân phối hàng hóa, lương thực, thực phẩm bảo đảm thông suốt, trong đó, những người thực hiện giao hàng được xét nghiệm định kỳ, tiêm vắc xin, có dấu hiệu nhận diện, mã QR…
Xếp loại các địa phương theo 4 mức nguy cơ
Trong công tác điều trị, kinh nghiệm từ TPHCM và một số tỉnh phía nam cho thấy, phải tách riêng khu tiếp nhận ban đầu đối với người mắc Covid-19 không có triệu chứng, chưa được coi là bệnh nhân, từ đó, có phương án chăm sóc phù hợp về thể chất và tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 chuyển sang có triệu chứng. Nhiều địa phương sử dụng các cơ sở có sân chơi, không gian thoáng để các F0 không triệu chứng có không gian vận động, cải thiện sức khỏe.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vai trò quan trọng của tầng điều trị thứ 2, thường đặt tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện, để giảm nhẹ ca mắc, không để chuyển nặng, khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn. Có 3 yếu tố cực kỳ quan trọng mà tầng điều trị này phải chuẩn bị, đó là hệ thống oxy tập trung để sử dụng máy thở dòng cao (HFNC), máy thở không xâm nhập; thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm cho bệnh nhân sử dụng sớm để giảm mức độ chuyển nặng.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho các tầng điều trị bên dưới để cấp cứu, xử trí kịp thời những trường hợp diễn biến nặng rất nhanh; bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, oxy y tế, trang thiết bị theo quy định để bảo đảm số giường điều trị thực chất.
Thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tiến hành đánh giá và dự báo nguy cơ theo 4 mức "Nguy cơ rất cao", "Nguy cơ cao", "Nguy cơ", "Bình thường mới" cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh, có tính tới các yếu tố khu vực liên xã, liên huyện, liên tỉnh để có giải pháp xét nghiệm, cách ly, phong tỏa, tiêm vắc xin… phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Thực hiện bao vây thu hẹp "vùng đỏ", mở rộng "vùng xanh", bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu thấp nhất tử vong để sớm trở về trạng thái "bình thường mới".