Bộ trưởng Ngoại giao: Quyết liệt chống tham nhũng sau đại án "bay giải cứu"
(Dân trí) - Khẳng định vụ án "chuyến bay giải cứu" là sự việc rất đau xót với ngành ngoại giao, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Bộ đã kiểm điểm, đề ra giải pháp phòng chống tham nhũng tiêu cực trong nội bộ.
Công tác cán bộ ngành ngoại giao là vấn đề được đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đặt ra chiều 18/3, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Dẫn thông tin vừa qua nhiều cán bộ ngành ngoại giao vi phạm pháp luật trong vụ án chuyến bay giải cứu công dân thời điểm đại dịch Covid-19, ông Thắng đặt câu hỏi phải chăng đây là "phần nổi của tảng băng chìm" trong công tác cán bộ của ngành.
"Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này và Bộ trưởng sẽ làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực trong nội bộ ngành, lấy lại hình ảnh, uy tín ngành ngoại giao trước nhân dân cũng như bạn bè quốc tế?", ông Thắng chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định vụ án "chuyến bay giải cứu" vừa xảy ra là sự việc rất đau xót đối với ngành ngoại giao có truyền thống gần 80 năm cũng như với các cá nhân, gia đình có vi phạm.
"Chúng tôi rất nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc và đã rút ra một số biện pháp để làm một cách kiên quyết, kiên trì", ông Sơn nói và nhấn mạnh giải pháp tăng cường phổ biến, quán triệt, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng tiêu cực, đặc biệt chú trọng công tác chính trị tư tưởng trong nội bộ ngành.
Theo ông, ngành ngoại giao là ngành ở bên ngoài tác chiến độc lập, cán bộ mà không giữ được bản lĩnh, phẩm chất đạo đức thì không thể triển khai. Vì vậy, Bộ kiên định trong công tác đề cao tính gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao cũng quán triệt sâu sắc tinh thần phụng sự, phục vụ người dân, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đạo đức công chức cho cán bộ công chức.
Bộ đưa ra giải pháp công khai minh bạch trong tổ chức hoạt động; rà soát, xây dựng, hoàn thiện tất cả quy chế, quy định, quy trình, đặc biệt những lĩnh vực liên quan đến tham nhũng tiêu cực.
"Trong đó, chúng tôi đặt trọng tâm là công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, trước hết là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Việc này mong Quốc hội cũng tiếp tục theo dõi và phản ánh lại khi thấy bất cứ hiện tượng nào ở bên ngoài", Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh.
Theo ông, ngành ngoại giao đã xây dựng được 76/80 quy trình cấp bộ và hơn 100 quy trình xử lý công việc. Trong đó, một nửa là các quy trình xử lý công việc liên quan công tác lãnh sự. Quy trình, quy định được công khai minh bạch để đưa vào nề nếp.
Ông Sơn cũng nêu giải pháp tiếp tục xây dựng chế độ chính sách cho cán bộ, nhân viên, người lao động ở Bộ Ngoại giao. Ông gửi lời cảm ơn Chính phủ và mong đại biểu Quốc hội, cơ quan Quốc hội ủng hộ việc nâng cao sinh hoạt phí của các thành viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Theo ông, việc này giúp cán bộ có động lực cũng như thể hiện tầm vóc của nền ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Về công tác cán bộ, Bộ trưởng Ngoại giao cam kết xây dựng quy trình, từ khâu bổ nhiệm trưởng cơ quan đại diện, tất cả cán bộ trong các cơ quan đại diện đều đảm bảo đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh chính trị…
Đồng thời, ngành thực hiện chuyển đổi số trong công tác, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm công tác kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập.
"Chặt đứt" đường dây việc nhẹ lương cao
Tại phiên chất vấn, đại biểu cũng quan tâm đặt câu hỏi về nguyên nhân và giải pháp trước tình trạng nhiều thanh thiếu niên, người dân ở vùng sâu vùng xa bị lừa ra nước ngoài làm việc, bị cưỡng bức lao động.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, gần đây có rất nhiều người di cư theo lời dụ dỗ của các nhóm khác nhau với khẩu hiệu "việc nhẹ lương cao". Ông thừa nhận tình trạng dụ dỗ, lừa đảo, cưỡng bức lao động là vấn đề phức tạp, diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay.
Trước tình hình đó, Bộ đã phối hợp cơ quan trong nước tổ chức đưa về nước an toàn và phối hợp với các đối tác ngăn chặn những trường hợp di cư bất hợp pháp. Đồng thời, đơn vị chức năng thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho các địa phương về vấn đề này.
Về giải pháp sắp tới, ông Sơn nêu rõ cần tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để cơ quan chức năng xử lý nghiêm, "chặt đứt" đường dây này.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao tiếp tục cho thông tin đến các địa phương, khuyến cáo người dân cảnh giác trước những lời mời làm việc dễ dàng, lương cao nhưng thực ra là làm ở lĩnh vực bất hợp pháp.