Bộ trưởng Công an: “Tai nạn giao thông làm chết nhiều người đến vậy!”
(Dân trí) - Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an thốt lên như vậy khi nêu ý kiến về việc xây dựng luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Sáng 16/7, UB Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2020 và năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, thời gian qua, Bộ luôn bám sát thực tiễn, đề xuất các vấn đề cấp bách để xây dựng luật. Tuy nhiên, Bộ trưởng bày tỏ sốt ruột vì một số dự án luật bước đầu đủ điều kiện để trình, đã lấy ý kiến nhân dân rồi, một số ban ngành đã hội thảo và đóng góp ý kiến, nhưng vẫn chưa thấy được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở Chính phủ đã cơ bản thông qua đề nghị xây dựng luật này, giao Bộ Tư pháp trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10. Đến nay thì nội dung dự án luật đã hoàn thành, đã được đăng lên cổng thông tin điện tử của Bộ lấy ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa có tên trong danh sách các dự án luật trình Quốc hội của năm nay và năm sau.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Quốc hội đã ban hành luật về dân quân tự vệ, luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở rất quan trọng, nếu không được ban hành thì rất mất cân đối.
Tương tự, với luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo Bộ trưởng cũng rất quan trọng, Bộ đã đề xuất, Chính phủ và UB Thường vụ Quốc hội cũng đã cơ bản nhất trí, nhưng đến nay chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Mà không đưavào chương trình thì không thể tiến hành được các thủ tục cần thiết.
Vì vậy, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị tiếp tục báo cáo với UB Thường vụ Quốc hội để được xây dựng luật này.
Liên quan đến vấn đề Bộ trưởng Tô Lâm đề cập, báo cáo của Bộ Giao thông gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vừa qua cho biết, năm 2019 (từ ngày 16/12/2018 - 14/12/2019) toàn quốc xảy ra hơn 17.600 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 7.600 người, bị thương 13.600 người. Còn trong 4 tháng đầu năm 2020, toàn quốc xảy ra 4.500 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.100 người, bị thương 3.300 người.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, cho đến tận khi Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho năm sau và điều chỉnh năm nay thì hồ sơ của hai dự án luật Bộ trưởng Tô Lâm đề cập vẫn chưa được gửi đến các cơ quan của Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung khẳng định, hai dự án luật Bộ trưởng Tô Lâm nêu hiện nay chưa có trong chương trình xây dựng luật năm nay và năm sau không phải lỗi của Quốc hội.
Bà Dung cho biết, theo quy định thì chậm nhất đến mùng 1/3/2019, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm sau phải được gửi đến UB Pháp luật để thẩm tra. Nhưng thời điểm đó chưa thấy hai dự án luật nói trên, mãi đến phiên họp tháng 6, Văn phòng Chính phủ mới đề cập việc bổ sung vào chương trình xây dựng luật năm 2020.
Báo cáo tại hội nghị, UB Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ hạn chế tối đa việc đề nghị bổ sung dự án vào chương trình để trình Quốc hội gần thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội.
UB Pháp luật cũng cho biết, cho tới thời điểm hiện nay, Chương trình năm 2020 sau khi được Quốc hội thông qua đã được điều chỉnh 5 lần, trong đó 3 lần UBThường vụ Quốc hội điều chỉnh bổ sung 7 dự án vào chương trình theo đề nghị của Chính phủ và các cơ quan đều vào thời điểm gần sát kỳ họp, thậm chí có dự án được đề nghị đưa vào chương trình khi đang diễn ra kỳ họp Quốc hội.
Điều này đã thực sự gây khó khăn cho các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc tiếp cận tài liệu, nghiên cứu, thẩm tra, xem xét đối với dự án, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của dự án khi xem xét, thông qua, UB Pháp luật đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, UBThường vụ Quốc hội trong 6 tháng cuối năm 2020 và năm 2021 là 17 dự án.
Ông Long cũng nhận định, một số dự án luật có nội dung phức tạp hoặc phạm vi điều chỉnh có liên quan đến một số luật, dự án luật khác, nên trong quá trình phối hợp chỉnh lý cũng như soạn thảo có thể sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau (Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)....
Phương Thảo