Bộ Nội vụ giải đáp quy trình xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã
(Dân trí) - Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng cán bộ phụ trách Văn phòng cấp ủy cấp xã có mức phụ cấp chưa tương xứng. Cử tri Lạng Sơn đề nghị có hướng dẫn về quy trình xử lý kỷ luật cán bộ xã.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 7.
Cử tri Vĩnh Phúc đề nghị nghiên cứu bổ sung một chức danh công chức cấp xã - Văn phòng cấp ủy vào Luật Cán bộ, công chức.
Hiện nay, cán bộ phụ trách Văn phòng Đảng ủy cấp xã là chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã. Thực tế nhiệm vụ của cán bộ phụ trách Văn phòng cấp ủy cấp xã rất nhiều, tuy nhiên mức phụ cấp hiện tại chưa tương xứng.
Cụ thể, tại Nghị quyết 20/2023 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, cán bộ phụ trách Văn phòng Đảng ủy cấp xã được hưởng mức phụ cấp hàng tháng/mức lương cơ sở là 1,6 đối với xã loại I, 1,5 đối với xã loại II và 1,3 đối với xã loại III.
Trả lời cử tri, Bộ Nội vụ nói chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã đã được quy định tại Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Đồng thời, tại điểm 17.1 khoản 17 Hướng dẫn số 01-HD/TW/2021 của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ đảng quy định tổ chức cơ sở đảng không thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc, cấp ủy phân công cấp ủy viên phụ trách các mặt công tác văn phòng, tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, dân vận các thành viên đều kiêm nhiệm.
"Việc bổ sung chức danh Văn phòng Đảng ủy cấp xã là công chức cấp xã như kiến nghị của cử tri phải trên cơ sở sửa đổi Hướng dẫn này và Luật Cán bộ, công chức hiện hành", Bộ Nội vụ thông tin và sẽ ghi nhận kiến nghị để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền khi Ban Bí thư có chủ trương sửa đổi Hướng dẫn số 01-HD/TW.
Bộ Nội vụ trích dẫn Điều 34 Nghị định số 33/2023 của Chính phủ quy định ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp (bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế) để chi trả hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Căn cứ vào quỹ phụ cấp được ngân sách Trung ương khoán cho mỗi cấp xã, nguồn kinh phí ngân sách chi cho cải cách chính sách tiền lương của địa phương và đặc thù của từng xã, UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể mức phụ cấp hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn.
Từ đó, Bộ Nội vụ khẳng định việc hỗ trợ thêm cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (trong đó có cán bộ phụ trách Văn phòng Đảng ủy) thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc.
Quy trình xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã
Cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ cấp xã, đặc biệt đối với cán bộ đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.
Bộ Nội vụ nêu Điều 29 Nghị định số 33/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức cấp xã (trong đó có trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật) được thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
"Trường hợp luật, Điều lệ Đảng, tổ chức chính trị - xã hội có quy định khác thì thực hiện theo quy định của luật, điều lệ mà cán bộ cấp xã là thành viên", Bộ Nội vụ trả lời cử tri.