Bí thư Vĩnh Phúc: Giám sát việc trả lương, thưởng Tết cho người lao động
(Dân trí) - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu Sở LĐ-TB&XH kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc trả lương, thưởng Tết; hạn chế tối đa tình trạng nợ lương, nợ thưởng, nợ bảo hiểm xã hội.
Chiều 12/1, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan chủ trì hội nghị nghe UBND tỉnh và các sở, ngành báo cáo tình hình thực hiện chính sách an sinh xã hội và tình hình lao động, việc làm, thu nhập, tiền lương, thưởng Tết đối với công nhân, người lao động trên địa bàn.
Theo báo cáo, Vĩnh Phúc hiện có 8.236 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng gần 261.600 lao động. Năm 2023, các doanh nghiệp tuyển mới trên 36.000 lao động.
Lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Đối với thưởng Tết, mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp dịp Tết Nguyên đán 2024 là 6,4 triệu đồng/người và mức thưởng cao nhất là 400 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc, Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã phân tích rõ hơn những khó khăn, tác động mà các doanh nghiệp trên địa bàn đang phải đối mặt; tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế.
Đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp về thuế, đất đai và có giải pháp cụ thể, không để xảy ra thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ Tết.
Chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, năm 2023 tình hình việc làm, thu nhập của người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển sang ký hợp đồng ngắn hạn.
Bà Lan yêu cầu các sở, ngành nắm bắt tình hình, tham mưu, đề xuất phương án xử lý các vấn đề liên quan đến tiền lương, việc dịch chuyển hợp đồng lao động từ dài hạn sang ngắn hạn của các doanh nghiệp. Cấp ủy chính quyền các cấp quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Nữ Bí thư yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể đánh giá thực trạng đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động trên địa bàn, trong đó khảo sát, phân tích, đánh giá cụ thể tình hình thực tế và các giải pháp toàn diện cho các năm tiếp theo.
Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc trả lương, thưởng Tết; hạn chế tối đa tình trạng nợ lương, nợ thưởng, nợ bảo hiểm xã hội, chủ bỏ trốn. Đối với các doanh nghiệp làm tốt công tác chăm lo Tết, bà Lan yêu cầu phải biểu dương.
Bí thư Vĩnh Phúc cũng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhất là tại các doanh nghiệp bị giảm sâu thu nhập, mất việc, thiếu việc làm. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đưa đón công nhân về ăn Tết và quay trở lại làm việc sau Tết bằng ô tô được thuận lợi, an toàn.
Sở LĐ-TB&XH vận động chủ doanh nghiệp hỗ trợ vé tàu xe, tặng phiếu mua hàng cho công nhân về quê ăn Tết.
Yêu cầu công khai kế hoạch trả lương, thưởng Tết.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản yêu cầu Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, UBND các huyện chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật lao động, thỏa thuận giữa các bên về tiền lương, tiền thưởng (nếu có), công khai kế hoạch trả lương, thưởng Tết.
Vĩnh Phúc đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết các chế độ lương, thưởng cho người lao động, nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.
"Công bố kế hoạch thưởng Tết và thông tin đầy đủ, kịp thời kế hoạch trả lương, trả thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động, thời gian nghỉ Tết để người lao động biết", Vĩnh Phúc yêu cầu với doanh nghiệp.