Bí thư Thái Nguyên: Chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội
(Dân trí) - "Chuyển đổi số là xu hướng phát triển mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Đại biểu dự Đại hội Đảng XIII của Đảng cho biết, Thái Nguyên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là cửa ngõ kết nối quan trọng của các tỉnh vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội.
Trong quá trình phát triển, đặc biệt là nhiệm kỳ qua, Thái Nguyên đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tạo bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế quan trọng của một tỉnh trung tâm vùng và cực tăng trưởng phía bắc Thủ đô Hà Nội.
Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2015. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới xác định mục tiêu vào năm 2030, Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía nam; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.
Trong cơ cấu phát triển kinh tế, sẽ chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Về quản lý, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Tập trung rèn luyện kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ. Đồng thời, quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đặc biệt quan tâm chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; phát triển tiềm năng du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII là phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, chuyển đổi số là xu hướng phát triển mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, các địa phương, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ; nhiều doanh nghiệp của tỉnh còn chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại; quy mô kinh tế số còn nhỏ; chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin thấp; số doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa nhiều...
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thể hiện ý chí mạnh mẽ của hệ thống chính trị, là yếu tố then chốt thúc đẩy chuyển đổi số.
Từ thực tiễn địa phương, Thái Nguyên xác định cần chủ động trong chuyển đổi số để tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nghị quyết đầu tiên trong chương trình công tác của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới chính là Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết được Ban chấp hành Đảng bộ thông qua vào ngày 31-12-2020 vừa qua, với mục tiêu phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố và năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Các giải pháp cụ thể tỉnh sẽ thực hiện là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tỉnh đặt ra yêu cầu đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị.
Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 700 doanh nghiệp số.
Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin; xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh là thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên. Triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào năm 2025 trên thiết bị di động thông minh. Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.