1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Bí thư huyện khẳng định sẽ khởi tố vụ 20 ha rừng bị chặt phá

(Dân trí) - Bí thư Huyện ủy Hoài Ân - ông Hoàng Anh Dũng khẳng định như vậy sau khi trực tiếp thị sát hiện trường vụ khoảng 20 ha rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại khoảnh 1 và 2, tiểu khu 108, xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân) bị một số người dân đồng bào phá để trồng keo lai.

Ngày 6/10, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân (tỉnh Bình Định) Hoàng Anh Dũng cùng đại diện các cơ quan chức năng liên quan đã trực tiếp đi kiểm tra vụ phá rừng ở tiểu khu 108, xã Đắk Mang, huyện Hoài Ân.

Hơn 20 ha rừng quy hoạch chức năng phòng hộ bị chặt phá để trồng keo lai
Hơn 20 ha rừng quy hoạch chức năng phòng hộ bị chặt phá để trồng keo lai

Sau khi thực tế hiện trường vụ phá rừng, ông Dũng cho biết UBND huyện Hoài Ân đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Trung tâm quy hoạch nông nghiệp - nông thôn tiến hành giám định thiệt hại.

“Sau khi có kết quả chính thức, Chủ tịch UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan vào cuộc xử lý quyết liệt. Trước mắt, sáng thứ 2 (ngày 9/10), Ban thường vụ Huyện ủy, Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện và các cơ quan chuyên môn có liên quan sẽ họp bàn, đề xuất ý kiến xử lý”, ông Dũng cho hay.

Cũng theo ông Dũng, chiều thứ 2 (ngày 9/10), Hạt Kiểm lâm huyện sẽ hoàn tất hồ sơ, khởi tố vụ án. Đối với cán bộ là đảng viên có liên quan của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện, UBND xã Đắk Mang, Hạt Kiểm lâm thì Ban Thường vụ Huyện ủy cũng sẽ có hình thức kỷ luật vì để xảy ra rừng bị hủy hoại.

Dù là rừng quy hoạch phòng hộ nhưng diện tích rừng bị phá rất lớn
Dù là rừng quy hoạch phòng hộ nhưng diện tích rừng bị phá rất lớn

Liên quan đến vấn đề trên, ông Pham Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho rằng khu vực rừng bị phá tuy quy hoạch chức năng phòng hộ, nhưng thuộc rừng nghèo, chủ yếu là cây bụi.

“Khu vực rừng bị phá nằm ở địa hình đi lại quá cách trở, nằm cheo leo trên đỉnh núi cao. Lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, truy quét, ngăn chặn nạn phá rừng. Bước đầu kiểm tra, cơ quan chức năng của huyện Hoài Ân xác định, đối tượng phá khu vực rừng này là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở làng T6 (xã Đắk Mang), với mục đích để trồng rừng sản xuất. Sau khi quy hoạch 3 loại rừng, chúng tôi sẽ quy hoạch vào rừng sản xuất vì nếu quy hoạch rừng phòng hộ thì không có cách nào giữ. Bởi nếu trời mưa đường không bao giờ đi được, còn đi bộ phải mất 4-5 tiếng đồng hồ”, ông Hổ cho hay.

Cũng liên quan đến vụ việc phá rừng này, hiện nay UBND huyện Hoài Ân, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện tiến hành kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan khi để xảy ra vụ phá rừng này.

Như Dân trí đã thông tin, cuối tháng 8/2017, lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân đã phát hiện khu vực rừng ở khoảnh 1 và 2, tiểu khu 108, xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân) bị xâm hại.


Đường lên khu vực rừng vô cùng hiểm trở.

Đường lên khu vực rừng vô cùng hiểm trở.

Kết quả kiểm tra, đo đạc ban đầu của Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, có khoảng 20 ha rừng quy hoạch chức năng phòng hộ bị chặt phá. Diện tích rừng này do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân quản lý, cộng đồng thôn O6, xã Đắk Mang nhận khoán bảo vệ rừng.

Doãn Công