Với độ cao 1.190m so với mực nước biển, khu Linh địa cổ Mẫu Sơn là nơi thờ thần núi Mẫu Sơn có tên gọi là “Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần”, của người Tày cổ (Mẫu Sơn, Lạng Sơn).
Linh địa cổ được Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn khai quật năm 2003, theo kết quả báo cáo nghiên cứu khoa học thì di tích này đã có từ lâu đời, được xây dựng vào khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XIX.
Qua kích thước và vết đục có thể nói những tảng đá này được khai thác làm nguyên liệu để xây dựng ngôi đền cổ.Di tích vẫn giữ nguyên hiện trạng như sau khai quật, gồm có 3 nền móng đắp bằng đá xây dựng đền thờ, các chân cột đá, tường đá và tường gạch, bậc thềm và cánh cửa đá.Dấu tích cối cửa bằng đá còn sót lại.Gạch xây dựng cho thấy ngôi đền được trùng tu vào cuối thế kỷ XIX và có sự tham gia của người Dao.Được khai quật vào năm 2003, nhưng phải đến năm 2013, khu Linh địa Mẫu Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nơi đây mang ý nghĩa của một di tích tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời là biểu tượng của sức mạnh văn hóa, thể hiện đời sống tinh thần phong phú người Tày cổ ở khu vực này.Tuy nằm trên địa thế cao, dốc, đường đi lại khó khắn nhưng đến nay khu Linh địa cổ Mẫu Sơn đã thu hút rất nhiều du khách tới hành hương.