Ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng
(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận có việc xuống cấp, lệch chuẩn trong ứng xử trên mạng xã hội, cần chấn chỉnh. Bộ đã hỗ trợ Bộ TT-TT ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Đề nghị tiếp tục hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch
Đặt câu hỏi trong phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) nêu vấn đề: Hiện nay mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông giải trí phổ biến nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích xã hội mang lại cũng nảy sinh không ít những vấn đề biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để chấn chỉnh, giải quyết tình trạng trên?
Trả lời đại biểu đoàn Hà Giang, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận có việc xuống cấp, lệch chuẩn trong ứng xử trên mạng xã hội, cần chấn chỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa - Thế thao và Du lịch đã hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vì ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, về hậu quả có thể gây ra từ các tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, sử dụng mạng xã hội không đúng, làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) đề cập tới lượng khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam còn rất thấp, trong khi đây là một chỉ số rất quan trọng. Theo vị đại biểu, trên thế giới có trên 7 tỷ người, những người có tiềm năng đi du lịch cũng mấy tỷ người, chỉ cần chúng ta làm ra các sản phẩm, mỗi người một lần, chúng ta đã có một thị trường lớn hơn rất nhiều. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm mình về vấn đề này? Biện pháp cơ bản để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững?
Về giải pháp cho ngành du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là ngành chịu nhiều thiệt hại do đại dịch Covid-19. Sau khi mở cửa lại du lịch, tình hình có khả quan hơn. Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm bước đà phát triển. Tuy nhiên, việc thu hút khách quốc tế vẫn còn khó khăn.
Bộ trưởng cho rằng cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành. Do chính sách phòng, chống dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau nên việc đón khách nước ngoài còn gặp một số vướng mắc. Việt Nam về cơ bản đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế, tuy nhiên vẫn cần khắc phục một số khó khăn mang tính tình thế.
Đối với khó khăn về nguồn nhân lực trong ngành du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã và đang tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đạo tào nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
Bộ trưởng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch.
Chất vấn Bộ trưởng về du lịch và văn hóa ứng xử
Chiều 10/8, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn về chính sách phát triển du lịch, bảo tồn di tích lịch sử, giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Phiên chất vấn diễn ra tại Phòng Diên Hồng - Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là nội dung quan trọng liên quan tới công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch.
Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phát biểu trước khi đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, bước vào thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ này, bên cạnh những thuận lợi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực hoàn thành được trách nhiệm của mình trên phương diện quản lý nhà nước trên 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
"Ví như cỗ xe tam mã, trong đó văn hóa là giữ dây cương, du lịch mang đậm dấu ấn sản phẩm văn hóa, thể thao vì sức khỏe con người với tư cách là chủ thể xây dựng, kiến tạo, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết tâm chỉ đạo khá toàn diện ba trọng tâm công tác này" - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, trên lĩnh vực văn hóa đã có sự chuyển biến về mặt nhận thức, về mặt hành động, cán bộ văn hóa đã tích cực, chủ động tham mưu để các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo.
Theo ghi nhận, có hơn 50 đại biểu đăng ký chất vấn nhóm vấn đề liên quan tới trách nhiệm quản lý của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.