Học giả Ấn Độ:
"Bài viết của Tổng Bí thư có tính học thuật cao, hoàn chỉnh và sâu sắc"
(Dân trí) - Theo Phó Giáo sư Faisal Ahmed, đây là bài viết hàm chứa những hiểu biết sâu về mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân, đề cao vai trò thực sự của nhà nước trong việc đảm bảo công bằng xã hội.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Faisal Ahmed của Khoa Kinh tế quốc tế Trường Quản trị FORE ở New Delhi (Ấn Độ), đã bày tỏ ấn tượng về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Theo Phó Giáo sư Faisal Ahmed, đây là bài viết có tính học thuật cao, hoàn chỉnh và sâu sắc, hàm chứa những hiểu biết sâu về mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân, đồng thời đề cao vai trò thực sự của nhà nước trong việc đảm bảo công bằng xã hội, điều vốn là nhu cầu của thời đại ngày nay.
Ông Faisal Ahmed đánh giá, trong thế giới đang bị đại dịch COVID-19 hoành hành, những quốc gia áp dụng cấu trúc xã hội chủ nghĩa đã đáp ứng tốt các nhu cầu xã hội đang nổi lên. Học giả Ấn Độ nhấn mạnh: "Ngày nay, chúng ta cần chính sách lấy con người làm trung tâm, với đặc trưng là công bằng xã hội, pháp quyền, các thể chế mạnh và một hệ sinh thái xã hội gắn kết. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng phải được chuyển hóa thành phúc lợi xã hội cao hơn và mức sống tốt hơn".
Phó Giáo sư Faisal Ahmed cho rằng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra lộ trình tương lai lấy con người làm trung tâm như vậy cho Việt Nam. Lộ trình đó đáng để cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước đang phát triển, nhân rộng.
Chuyên gia Ấn Độ đặc biệt chú ý tới phần nghiên cứu trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tiền đề cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm mang lại công bằng xã hội. Theo chuyên gia Ấn Độ, bài viết đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bao gồm nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. Đây là một mô hình kinh tế rất phù hợp nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong thương mại và đầu tư.
Đánh giá về những thành quả mà Việt Nam đạt được trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Phó Giáo sư Faisal Ahmed cho rằng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể sau khi thực hiện công cuộc Đổi mới, góp phần nâng cao vị thế thương mại quốc tế của Việt Nam, tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu và giúp Việt Nam cải thiện vai trò trong quản trị kinh tế thế giới. Năng lực sản xuất nội địa đã được nâng cao trong những năm qua và điều đó cũng giúp Việt Nam thu lợi từ xuất khẩu. Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam đã góp phần nâng cao mức sống của người dân. Ngày nay, chính nhờ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á và tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa, Phó Giáo sư Faisal Ahmed nhận định người Việt Nam rất chăm chỉ và có khả năng đặc biệt để "biến thách thức thành cơ hội" để mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội.
Theo ông, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng tới một số yếu tố: Thứ nhất là đa dạng hóa nền kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, đây là chìa khóa của câu chuyện tăng trưởng cho Việt Nam trong tương lai; Thứ hai là thúc đẩy sự hợp tác cạnh tranh của Việt Nam với các nền kinh tế lớn hơn ở châu Á, nhất là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế ở châu Á đang dần phục hồi từ đại dịch COVID-19. Thứ ba là trên bình diện chiến lược toàn cầu và khu vực, Việt Nam cần tập trung vào những điểm hội tụ.
Cuối cùng là tăng cường hơn nữa nghiên cứu khoa học và công nghệ. Với mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm mang lại lợi ích cho người dân, khoa học và công nghệ sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong nhiều lĩnh vực, không chỉ giới hạn trong kinh tế thương mại, mà trong cả vấn đề quản trị, phát triển hệ sinh thái biển, an ninh lương thực, dầu khí, quốc tế hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm và ứng phó với biến đổi khí hậu.