Bài học sức dân và phép thử tinh thần trong đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội nhận xét, cuộc chiến chống dịch cho thấy những giá trị của bài học sức dân. Những câu chuyện tình người không thể kể hết. Covid-19 thực sự là phép thử với tinh thần, trách nhiệm...
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, tình hình chống dịch Covid-19 tại Quốc hội sáng nay, 25/7, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhận xét, có thể thấy 5 vấn đề nổi lên vừa qua.
Đại biểu cho rằng, quyết liệt phòng chống dịch nhưng không được áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan. Bên cạnh dẫn chứng về những cách làm sáng tạo được đưa ra như xét nghiệm mẫu gộp để tăng năng suất xét nghiệm, tầm soát khu vực nguy cơ cao thì có địa phương xuất hiện việc áp dụng biện pháp gây tranh cãi, gây khó khăn cho người dân doanh nghiệp như chuyện không cho xe nông sản đi qua.
Bà Thủy phản ánh, có doanh nghiệp phản ánh là đã "thông chốt" kiểm dịch được qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng lại không thể giao hàng vì quy định cứng nhắc, quái ác, buộc phải quay đầu.
"Cả nước như cơ thể sống, không thể cắt dời, tách bạch từng bộ phận mắc bệnh để chữa trị. Việc đó gây ảnh hưởng trên diện rộng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất. Thủ tướng trong một văn bản chỉ đạo đã phải lên tiếng cảnh báo một số nơi áp dụng biện pháp cứng nhắc, cực đoan gây đứt gãy chuỗi cũng ứng" - đại biểu nói.
Vấn đề khác là về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong chống dịch. Theo đại biểu, việc xử phạt nặng, nghiêm khắc nhiều trường hợp vi phạm quy định chống dịch vừa qua đã giúp khắc phục tâm lý chủ quan, nhờn, coi thường việc chống dịch. Đại biểu dẫn chứng trường hợp Hà Nội cách chức Giám đốc Hacinco, rút khỏi danh sách HĐND cán bộ ở Hà Nam vì khai báo không đúng, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ khiến dịch bệnh lây lan.
Thái độ dứt khoát và những biện pháp mạnh đó đã có tác dụng răn đe. Số người thực hiện khai báo y tế hiện đã tăng mạnh, tránh được tình trạng khai báo qua loa, thiếu trách nhiệm.
Nữ đại biểu cũng đánh giá tích cực với việc không công bố danh tính và lịch trình di chuyển chi tiết của bệnh nhân Covid-19. Bà Thủy lập luận, với việc công khai các thông tin này trước đây, nhiều người bệnh trở thành tâm điểm của việc ném đá, thêu dệt trên mạng. Theo đại biểu, đây không phải là cách để cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
Qua 2 tháng áp dụng quy định mới, cơ quan chức năng đã nhận được sự cộng tác tích cực, thực chất hơn của người bệnh để thực hiện việc truy vết, khoanh vùng dịch.
Đặc điểm khác của cuộc chiến chống dịch, theo đại biểu, Việt Nam là quốc gia sớm đưa, sử dụng lực lượng công an, quân đội tham gia chống dịch. Hình ảnh những bóng áo xanh xuất hiện nhiều nơi cho thấy sự hi sinh thầm lặng của bộ đội.
Hình ảnh đẹp khác qua các mùa dịch là lực lượng y tế. Người dân, xã hội đã hết sức xúc động với đội quân báo blouse trắng thức xuyên đêm, có người ngủ gục bên hộp cơm đang ăn dở, với cảnh những người mặc bảo hộ kín mít, làm việc kiệt sức dưới nắng nóng cả ngày để lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc bệnh nhân.
"Bài học sức dân còn nguyên giá trị. Phong trào tương thân tương ái nở rộ khắp nơi. Những câu chuyện tình người trong chống dịch không thể kể hết được. Từ người già tới em nhỏ, người chật vật mưu sinh cũng sẵn sàng hỗ trợ, tham gia chống dịch. Covid-19 thực sự đã trở thành phép thử với tinh thần, kỷ luật, ý thức trách nhiệm của công dân" - đại biểu cảm thán.
Bà cũng ủng hộ quyết định tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới. Theo đó, những hỗ trợ của nhà nước, đại biểu khẳng định là thực sự kịp thời, nhận được sự ủng hộ của người dân. Đại biểu đề nghị quá trình thực hiện gói 26.000 tỷ đồng cần tập trung để tránh bỏ sót đối tượng hay để xảy ra trùng lắp, tiêu cực.
Nói về việc đề xuất bổ sung những biện pháp chống dịch đặc biệt trong tình thế cấp bách, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhận xét, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, những nội dung Chính phủ trình là đúng đắn.
Các biện pháp có những điểm chưa phù hợp với Luật Ngân sách, tài chính quốc gia nhưng rất cần những cách thức đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong chống dịch. Đại biểu lưu ý, phạm vi của các biện pháp được đề xuất chỉ áp dụng với biện pháp phòng chống Covid - 19, cần khống chế thời hạn, xác định cụ thể trách nhiệm để không lợi dụng chính sách trục lợi gây thất thoát cho ngân sách.
"Mọi kế hoạch dù có hay, hoàn hảo đến đâu vẫn cần những người có năng lực, phẩm chất để vận hành bộ máy. Khi chúng ta ngồi đây thảo luận về định hướng, kế hoạch thì ngoài kia, người dân vẫn đang chờ đợi vắc xin, mong mỏi những ngày tháng khó khăn sẽ đi qua. Người dân hy vọng bản lĩnh, trí tuệ Chính phủ được phát huy để điều hành, thực hiện được các nội dung của nghị quyết, hoàn thành các kế hoạch. Tôi tin tưởng Chính phủ sẽ làm được điều đó"- bà Mai nói.