1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

11 dân công hỏa tuyến mãi nằm lại trong hang núi

(Dân trí) - Đã 60 năm qua kể từ ngày định mệnh máy bay Pháp gầm rú trên bầu trời huyện Quan Hóa rồi thả bom xuống hang Co Phường (bản Sại- xã Phú Lệ) khiến tảng đá trên vách núi đổ xuống bịt kín cửa hang, chôn vùi 11 dân công hỏa tuyến cho tới bây giờ.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, hang Co Phường với rêu phong, cỏ dại mọc xung quanh, cảnh vật hoang sơ dường như vẫn không thay đổi, cửa hang vẫn chỉ là một hốc đá bởi những phiến đá bịt kín lối vào hang. Lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng trên nóc của hang như một sự tri ân đối với những liệt sĩ đã khuất.

Chúng tôi trở về thăm hang Co Phường, nơi đã chôn vùi 11 liệt sĩ dân công hỏa tuyến ngày ấy vào một ngày giữa tháng 7. Cái ngày lịch sử định mệnh đớn đau ấy vẫn còn ám ảnh nguyên vẹn trong tâm trí của những cụ già bản Sại dù cho thời gian có đi qua.

Hang Co Phường, nơi chôn vùi 11 liệt sĩ TNXP hỏa tuyến
Hang Co Phường, nơi chôn vùi 11 liệt sĩ TNXP hỏa tuyến

Ngày ấy, địa phận xã Phú Lệ là nơi trung chuyển lương thực, vũ khí cho chiến dịch Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Lực lượng TNXP được huy động về đây xẻ núi làm đường, tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường. Đây là địa bàn vô cùng quan trọng bởi tuyến đường 15A chạy qua xã Phú Lệ là huyết mạch giao thông đặc biệt đối với việc vận chuyển quân, vũ khí, lương thực phục vụ cho Điện Biên Phủ và Thượng Lào.

Phủ Lệ luôn là địa bàn bị thực dân Pháp đánh phá ác liệt nhất. Quân Pháp trú ở đồn Co Lương (Hòa Bình, cách địa điểm này 8km). Chúng thường xuyên mở các cuộc càn quét sang Thanh Hóa nhằm cắt đứt tuyến đường vận chuyển quân lương cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại Phủ Lệ có hang Co Phường (còn gọi là hang Co Phương theo tiếng Thái hay hang cây khế theo tiếng Kinh) là một hang núi do thiên nhiên kiến tạo trong lòng núi đá của dãy Pố Há. Núi có chiều dài 60m, rộng 40m gồm các phiến đá lớn chồng xếp lên nhau, xung quanh núi là đồi đất. Hang có diện tích khoảng 18-20m2, nơi cao nhất của hang là 4m, càng đi sâu vào bên trong hang càng hẹp.

Phía trong cửa hang, những tảng đá lớn đã bịt kín lối vào
Phía trong cửa hang, những tảng đá lớn đã bịt kín lối vào

Vào những năm chống thực dân Pháp, hang Co Phường không chỉ là trạm quân lương mà còn là nơi trú quân của bộ đội, TNXP và dân công hỏa tuyến. Lương thực, thực phẩm và vũ khí ngoài việc chuyển bộ bằng xe đạp thồ còn được vận chuyển bằng đường ngược sông Mã. Tới khu vực Phú Lệ, dòng sông cạn, thuyền bè đi lại khó khăn được chuyển lên bờ và chuyển bộ. Đường 15A đoạn qua Phú Lệ, nơi có cầu Phú Lệ, cầu Vạn Mai thường bị máy bay giặc Pháp ném bom, bắn phá. Để đảm bảo giao thông, đoạn đường này luôn có lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến đảm nhiệm để giữ vững giao thông thông suốt.

Sau khi nhận nhiệm vụ trên, ngày 6/3/1953, huyện Thiệu Hóa đã tổ chức 3 trung đội dân công, mỗi trung đội biên chế 45 người lên Quan Hóa làm đường và cầu Phú Lệ. Từ ngày 17-30/3, đoàn dân công huyện Thiệu Hóa tổ chức đan sọt, gánh đá làm đường Vạn Mai. Ngày 31/3, đơn vị dân công huyện Thiệu Hóa được Ban chỉ huy công trường điều về làm cầu Phú Lệ.

Vào 3 giờ chiều ngày 2/4/1953, máy bay giặc Pháp thay nhau thả bom khốc liệt. 3 chiếc máy bay đã thả 3 quả bom xuống khu vực xã Phú Lệ, nhưng đau đớn nhất trong vụ xả bom kinh hoàng vào chiều hôm đó là một trong 3 quả bom găm thẳng vào sườn núi Pù Bó rồi nổ tung. Cả một sườn núi đá rầm rầm tụt xuống chân núi, cửa ra vào duy nhất của hang Co Phường bị những phiến đá liền khối như gian nhà bít kín.

Đồng đội và nhân dân đã dùng mọi cách nhưng ngày đó công cụ thô sơ, chỉ là búa, cuốc, xẻng, xà beng nên việc phá một tảng đá lấp cửa hang Co Phường là một điều không tưởng và sau đó đành bất lực, không có cách nào cứu những người mắc kẹt trong hang. 11 người của tiểu đội dân công xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa đang trú ẩn trong hang bị mắc kẹt trong đó cho đến chết. Cái ngày định mệnh ấy đã chôn vùi 11 dân công hỏa tuyến tại hang Co Phường hơn nửa thế kỷ qua. Các anh chị đã ngã xuống lúc chỉ mới 18, đôi mươi và có những người chưa lập gia đình. Họ đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất, cuộc đời của những liệt sĩ TNXP ở đây cũng giống như câu chuyện của 10 cô gái Đồng Lộc hay ở "hang Tám Cô" vậy. Họ là những người đã góp xương máu làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975. 

Nỗi ám ảnh vẫn còn hằn trong đôi mắt của cụ Hà Văn Nhậm, người con của bản Sại. Năm nay cụ Nhậm cũng đã ngoài 90 tuổi rồi thế nhưng nhắc về cái ngày định mệnh ấy, đôi mắt cụ nhìn xa xăm, giọng cụ khắc khoải: “Sau tiếng nổ rung trời, tôi thấy xung quanh trở nên hoang tàn, cảnh tượng hãi hùng, chỉ thấy xác người và máu tràn lan khắp một vùng. Nơi hang Co Phường tiếng kêu la thảm thiết, nhiều người dân tập trung tìm cách cứu các anh chị nhưng vô vọng vì khối đá quá lớn. Người dân chỉ còn cách đưa thức ăn qua máng luồng rồi đưa vào hang nhưng có lẽ không thành. Khoảng 10 ngày sau thì không còn thấy tiếng kêu la nữa. Dân làng hiểu rằng, các anh chị đã ra đi rồi”.

Vỏ một trong 3 quả bom bỏ xuống hang Co Phường ngày định mệnh 2/4/1953
Vỏ một trong 3 quả bom bỏ xuống hang Co Phường ngày định mệnh 2/4/1953

Trở lại thăm người chị xấu số của mình là Nguyễn Thị Mứt, ông Nguyễn Văn Thoa, quê ở thôn Nguyên Thịnh xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) không giấu được xúc động. Những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt gầy gò nhăn nheo, ông kể: “Ngày đó tôi chỉ mới 5 tuổi, còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau mất người thân. Tôi chỉ nhớ bố mẹ tôi khóc rất nhiều. Chị gái tôi lúc mất mới chỉ 21 tuổi. Khi chị đòi đi dân công bố mẹ gàn không cho đi vì chị sức khỏe yếu nhưng chị vẫn cố đòi đi bằng được. Thế rồi mới chỉ hơn 1 tháng, chị đã mãi mãi không trở về…”

Ông Nguyễn Văn thoa, bùi ngùi khi nhớ về người chị gái xấu số của mình
Ông Nguyễn Văn thoa, bùi ngùi khi nhớ về người chị gái xấu số của mình

Đến nay số lượng chính xác về số người chết kẹt trong hang Co Phường vẫn chưa được tìm hiểu chính xác. Tuy nhiên theo những cụ cao niên trong bản thì có khoảng hơn 50 người thiệt mạng ở cả trong và ngoài hang, bao gồm TNXP, dân công và người dân xã Phú Lệ. Trong số người chết nói trên, hiện tại đã có 16 TNXP đã được Nhà nước công nhận là liệt sỹ.

Ngày nay, phương án di dời tảng đá lớn để tìm hài cốt liệt sĩ ở hang Co Phường đã được đề cập tuy nhiên do việc tìm được hài cốt và xác định danh tính sẽ gặp nhiều khó khăn vì thế thân nhân các liệt sĩ đã thống nhất giữ nguyên vị trí những người đã yên nghỉ trong lòng hang.

Nguyễn Thùy