1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

10.000 tỷ đồng tăng lương cần tập trung cho người thực sự khó khăn

(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi băn khoăn, quyết định tăng lương 8% năm tới cho một số nhóm đối tượng chưa thực sự thể hiện tính chất chia sẻ khó khăn. Khoảng 200.000 người nghỉ hưu đang hưởng mức lương trên 10 triệu đồng/tháng vẫn được tăng.

Cụ thể, Quốc hội đã thông qua kế hoạch Chính phủ đề xuất, thu xếp 10.000 tỷ đồng để tăng lương cho 3 đối tượng trong năm sau là người có công; người về hưu; cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang  hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (tương đương mức lương hàng tháng là 3 triệu đồng/tháng trở xuống). Mức tăng là 8% lương tối thiểu hiện hành, tương đương 90.000 đồng/tháng/người.

Do tình hình ngân sách eo hẹp, không thể tăng lương theo lộ trình cho tất cả các nhóm đối tượng (nếu tăng lương cho tất cả với mức bình quân chỉ 100.000 đồng/người/tháng, ngân sách sẽ phải chi hơn 40.000 tỷ đồng) nên phương án này đã được chọn để hỗ trợ cho những nhóm người dân khó khăn hơn cả.

10.000 tỷ đồng tăng lương cần tập trung cho người thực sự khó khăn

Tuy nhiên, chia sẻ tâm tư về việc này bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhận xét, phương án này vẫn chưa thực sự đảm bảo mục tiêu chia sẻ khó khăn vì với nhóm đối tượng là người nghỉ hưu, mức tăng là đồng đều như nhau. Do đó 10.000 tỷ đồng cần tập trung cho nhóm đối tượng thật sự khó khăn.

Nhấn mạnh tính chất của lương hưu không phải để làm giàu mà để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho mỗi người khi không còn sức lao động, ông Lợi bình luận, tăng lương đồng loạt nghĩa là những người hiện hưởng lương hưu rất cao, thậm chí đến hàng chục triệu đồng/tháng cũng sẽ được tăng lương thêm 8%. Mức tăng này, theo ông Lợi, không cần thiết đối với nhóm đối tượng này trong khi rất nhiều người khác cần được chi chút từng đồng vì lương hưu quá thấp, không đủ sống.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội dẫn chứng nhóm những người về hưu từ trước 1/1/1995 và đặc biệt là trước năm 1993, hiện tại cuộc sống rất khó khăn vì mức chênh lương rất lớn do thay đổi chính sách. Nếu chính sách xác định để chia sẻ khó khăn thì phải xét trước hết đến nhóm đối tượng này, thậm chí ngay cả nhóm cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang có mức lương dưới 5 triệu cũng có thể còn khó khăn.

“Theo tôi, đáng ra khoản 10.000 tỷ tăng lương lần này cần dành để tập trung cho nhóm đối tượng những người thật sự khó khăn vì đây là giải pháp tình thế, ví như những người nghỉ hưu trước 1/1/1993 vì lương của họ rất thấp. Tôi cũng đã từng phát biểu đề cập việc cần điều chỉnh lương với nhóm đối tượng này. Ví dụ, cùng một chức danh nếu về hưu sau thời điểm này, lương cao hơn nhiều so với người về trước 1993” – ông Lợi nói.

Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng đưa thêm một con số thống kê, tại TPHCM, 15% số người nghỉ hưu có mức lương thấp hơn chuẩn nghèo của thành phố là 1.340.000 đồng/tháng.

Trong khi đó, theo báo cáo của bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện tại cả nước có khoảng 200.000 người đang có mức lương hưu trên 10 triệu đồng/tháng. Có cần thiết tăng lương với nhóm đối tượng này là câu hỏi ông Lợi đặt ra?

Giải pháp căn cơ hơn, theo Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội là phải cải cách cho được chế độ tiền lương để mỗi người có thể sống được với đồng lương thực sự của mình. Tuy nhiên, bàn tới việc này trong bối cảnh bộ máy vẫn cồng kềnh, phình lớn như hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi cho là… quá khó, bất khả thi.

P.Thảo