Vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên:

10 năm đầu tư gần 365 ngàn tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới

(Dân trí) - Đây là số tiền được đầu tư trong giai đoạn 2010-2020 vào Vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên để phát triển nông thôn mới nhưng tỉ lệ đạt chuẩn “Nông thôn mới” ở khu vực này thấp hơn trung bình cả nước.

Sáng 7/9, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia đã tổ chức tổng kết 10 năm (2010-2020) chương trình xây dựng “Nông thôn mới” ở khu vực Vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Tổng kết 10 năm chương trình Nông thôn mới tại miền Trung Tây Nguyên

Tổng kết 10 năm chương trình xây dựng “Nông thôn mới” ở khu vực Vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên tại Quảng Nam vào sáng 7/9

Theo báo cáo, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên gồm 13 tỉnh, thành gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông với tổng diện tích gần 98.900 km2, chiếm khoảng 29,6% của cả nước; dân số khoảng trên 15 triệu người (chiếm 16% dân số cả nước), có hơn 40 đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống; có 1.424 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Do địa hình bị chia cắt và khí hậu phức tạp, có xuất phát điểm thấp và tồn tại nhiều bất lợi trong quá trình phát triển… nên sau hơn 9 năm triển khai chương trình, kết quả xây dựng nông thôn mới của cả vùng hạn chế hơn so với các vùng khác của cả nước.

Tổng kết 10 năm chương trình Nông thôn mới tại miền Trung Tây Nguyên

Các đại biểu tham quan các loại sản phẩm nông nghiệp tại huyện Tiên Phước, Quảng Nam

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có 604/1.424 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (cả nước có 4.522 xã đã đạt chuẩn, chiếm 50,8%). Như vậy, so với bình quân chung cả nước, cả vùng có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp hơn bình quân cả nước, chỉ cao hơn duy nhất vùng miền núi phía Bắc (hiện là 26,45% số xã đạt chuẩn).

Kết quả xây dựng nông thôn mới mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng còn khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền và thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Cả vùng vẫn còn 27 huyện trên địa bàn 9 tỉnh gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới; vùng Tây Nguyên còn một số tỉnh có tỷ lệ số xã đạt chuẩn dưới 30% như Đắk Lắk, Đắk Nông và dưới 20% (Kon Tum); tỷ lệ xã dưới 10 tiêu chí của hai vùng chiếm 21,98% của cả nước; chất lượng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới ở một số nơi còn chưa đảm bảo…

Tổng kết 10 năm chương trình Nông thôn mới tại miền Trung Tây Nguyên

Gian hàng các sản phẩm nông nghiệp tại buổi tổng kết

Cũng theo báo cáo, tổng nguồn vốn huy động thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” từ 2010-2019 của Vùng khoảng 364.585 tỷ đồng (khoảng 17,23% so với cả nước). Ngân sách Nhà nước các cấp bố trí trực tiếp cho xây dựng nông thôn mới của 2 vùng đạt khoảng 21 tỷ đồng/xã (trong 9 năm).

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 9 năm thực hiện Chương trình Nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn của vùng được các địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư để xây dựng mới, nâng cấp, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, bước đầu cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân.

Tuy kết quả xây dựng nông thôn mới đã có những chuyển biến tích cực nhưng còn khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền và thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Tiến độ xây dựng nông thôn mới của nhiều tỉnh có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây; riêng tỉnh Khánh Hòa là địa phương tự cân đối ngân sách, có tiềm lực lớn nhưng đến nay, kết quả xây dựng nông thôn mới còn rất hạn chế, chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn.

Về những nguyên nhân của hạn chế, báo cáo khẳng định những địa phương có tỷ lệ số xã đạt chuẩn còn thấp, nguyên nhân chủ yếu là do xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư ở thưa thớt, phân tán, diện tích vùng chiếm 29,6% diện tích cả nước nhưng dân số chỉ chiếm khoảng 16% dân số cả nước…

Nhiều khu vực bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối, nên việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng rất khó khăn, suất đầu tư lớn; ở khu vực Tây Nguyên, hình thái thời tiết với mùa khô, mùa mưa rất rõ, nên ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất cũng như tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng…

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, một trong những chương trình hành động bao gồm nhất, tổng hợp nhất, đầy đủ nhất đó là chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới Chính phủ ban hành bằng quyết định 85 năm 2010, đây có thể nói là một chương trình hành động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.

“Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới có các đặc điểm như sau: Thứ nhất, chương trình này triển khai đầu tiên từ giai đoạn 2010-2020, thực hiện trên toàn bộ vùng nông thôn Việt Nam bao gồm gần 9 nghìn xã, hơn 600 huyện của 63 tỉnh, thành. Lần đầu tiên Việt Nam chúng ta xây dựng mô hình nông thôn kiểu mới đường nhựa bê tông hóa bằng 19 tiêu chí từ cơ sở vật chất, thiết chế hạ tầng, thiết chế văn hóa, thu nhập kinh tế và các tổ chức an ninh…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu.

C.Bính