10 năm bền bỉ xóa nghèo ở 3 huyện khó khăn nhất Việt Nam
(Dân trí) - Trong suốt 10 năm qua, Tập đoàn Viettel bền bỉ đồng hành cùng Chính phủ triển khai hiệu quả Chương trình 30A ở ba huyện nghèo là Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa) và Đakrông (Quảng Trị), với phương châm “trao cần câu chứ không trao con cá”.
Bên cạnh việc trao sinh kế, Viettel còn đầu tư cho tương lai để giảm nghèo thực sự bền vững.
Đổi thay trên huyện nghèo Bá Thước
Chúng tôi có mặt tại thôn Vèn, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước khi tiết trời lất phất mưa. Trời mới nhá nhem tối nhưng khói bếp đã len lỏi bay qua những ống khói. Tiếp chúng tôi, chị Bùi Thị Chuyên ở thôn Vèn, xã Ái Thượng không giấu được cảm xúc hồ hởi kể: Gần 50 tuổi rồi chị mới có được cho mình một ngôi nhà đúng nghĩa, vẫn còn nợ nhiều lắm nhưng quan trọng là 3 mẹ con đã có nhà.
Sinh năm 1973 nhưng chị Chuyên già hơn so với tuổi, chị bảo có lẽ số phận gắn với những truân chuyên vất vả nên giữa bao cái tên bố mẹ không đặt lại chọn cái tên Chuyên mà đặt. Để rồi, cuộc đời chị cứ trải qua hết sóng gió này đến sóng gió khác và nghèo đói cứ đeo bám mãi không dời.
“18 tuổi lấy chồng, những tưởng sẽ có một gia đình hạnh phúc nhưng hóa ra nó lại khởi đầu cho những bất hạnh bởi người chồng vũ phu, lấy việc đánh vợ làm thú vui. Nhẫn nhịn, chịu đựng hơn 20 năm đến khi không còn sức để chịu đựng thì tôi ly hôn. Ra đi với 2 bàn tay trắng và 2 đứa con thơ, ba mẹ con không nhà, không cửa ở nhờ nhà anh em, họ hàng mỗi người vài bữa nửa tháng. Cứ nghĩ cuộc sống sẽ cứ như vậy mà trôi nhưng đầu năm 2018 được sự trợ giúp của Tập đoàn Viettel, mẹ con chúng tôi đã có được căn nhà trong mơ”- chị Chuyên chia sẻ.
Cùng chung cảm xúc về một ngôi nhà ấm áp, nghĩa tình, chị Trương Thị Phượng chia sẻ: “Tôi là mẹ đơn thân, con thì nhỏ nên đi làm thuê không đủ nuôi con nên cả đời không dám mơ có được một ngôi nhà. Vậy mà mọi thứ đến tựa như một giấc mơ. Giờ nhà đã bàn giao rồi, hai mẹ con đã được nằm ngủ trong ngôi nhà vững chãi, nền lát gạch hoa”.
Không chỉ được ở trong những mái nhà ấm áp, vững chãi mà giờ đây người dân huyện Bá Thước còn được thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội khác như: chăm sóc sức khỏe ban đầu, văn hóa giải trí, tiếp cận phương thức sản xuất mới nhờ mạng Internet được phủ sóng khắp thôn bản…
Chúng tôi không bao giờ quên “ân tình” người lính
Bá Thước, Thanh Hóa vốn là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa, cuộc sống người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp và trồng trọt. Thế nhưng sau 10 năm triển khai Nghị quyết 30A, Bá Thước đã thực sự thay đổi với những con số đầy ấn tượng: Tỷ lệ hộ nghèo ở Bá Thước giảm từ 50,14% năm 2010 xuống chỉ còn 7,26% hộ nghèo vào năm 2019 (theo tiêu chí mới). Những con đường trải nhựa, bê tông về tận ngõ xóm, những căn nhà tranh, nứa đã dần được thay thế bằng những ngôi nhà bê tông, mái ngói đỏ ấm áp và vững chãi.
Có được kết quả trên ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Bá Thước cho biết, để có được thành quả như ngày nay bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, tỉnh thì phải kể đến sự đồng góp cả về nguồn lực cũng như nhân lực của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel).
Theo đó, từ năm 2009 đến nay, Viettel đã tài trợ cho huyện Bá Thước hơn 80 tỷ đồng tập trung vào hạ tầng và an sinh xã hội, giáo dục, y tế, tặng bò, nhà ở... cho người nghèo. Riêng giai đoạn 2019-2020, Viettel hỗ trợ cho huyện nhà gần 18 tỷ đồng. Sự hỗ trợ của Viettel đã đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Cũng theo ông Võ Minh Khoa với quan điểm không giúp người dân cái đã “chế biến sẵn”, cái có thể “ăn được ngay”, Viettel cử lực lượng về cơ sở, đến với dân để trao gửi, trao tặng sinh kế, chia sẻ kinh nghiệm... cùng người dân tìm kế sinh nhai, từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Khi hỗ trợ nhân dân ở huyện Bá Thước theo Chương trình 30a, Viettel không chỉ tặng bò hỗ trợ sinh kế, hay tặng nhà làm chốn an cư cho người nghèo mà còn tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để người dân sử dụng hiệu quả các “quà tặng” đó.
Đồng thời, Viettel thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng để theo dõi, trao đổi kinh nghiệm, áp dụng công nghệ kỹ thuật cho người dân trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi. Chính nhờ sự hỗ trợ sát sao có trách nhiệm đó mà 90% số hộ nhận được sự hỗ trợ của Viettel đều thoát nghèo.
“Dự kiến hết năm 2020 Bá Thước sẽ ra khỏi danh sách huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Có được thành quả này là sự nỗ lực cũng như đóng góp rất lớn của Viettel. Người dân Bá Thước sẽ không bao giờ quên những “ân tình” của Viettel trong suốt 10 năm qua” – ông Võ Minh Khoa nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy trong 10 năm đồng hành cùng với huyện nghèo Bá Thước, Viettel không chỉ đồng hành cùng nhân dân xóa đóa giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, mà còn chú trọng đồng hành cùng nhân dân bằng cách đầu tư cho tương lai. Tập đoàn này tập trung hỗ trợ nhân lực, vật lực, phương tiện và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các địa phương, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Với hy vọng mỗi đứa trẻ được đến trường, có tri thức hôm nay, sẽ giúp hạn chế một công dân nghèo khó trong tương lai, Viettel đã triển khai chương trình học bổng “Vì em hiếu học”. Theo đó, ở mỗi xã, chương trình chọn 10 em học sinh gia đình nghèo, có học lực khá để trao học bổng hàng năm (trị giá 1 triệu đồng/suất). Chương trình này đã nâng cánh ước mơ cho hàng trăm, hàng nghìn học sinh khó khăn ở những huyện nghèo.
10 năm hỗ trợ 250 tỷ đồng để giảm nghèo
Sau 10 năm, Viettel đã hỗ trợ gần 250 tỷ đồng cho hơn 4.700 hộ nghèo ở 3 huyện miền núi Mường Lát, Bá Thước (Thanh Hóa) và Đắkrông (Quảng Trị) để xây dựng nhà ở, tặng bò giống, xây dựng trường học, trạm y tế. Nỗ lực này giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện trung bình đạt 6,85%/năm - cao hơn 2,85% so với mục tiêu giảm nghèo của địa phương theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Đến nay, Viettel đã trao hơn 2.500 con bò giống, 2.200 ngôi nhà đến tận tay các hộ nghèo tại 3 huyện (Mường Lát gần 1.200 con & 355 ngôi nhà, Bá Thước gần 700 con bò & 440 ngôi nhà, Đắkrông gần 600 con bò & 1.469 ngôi nhà). Song song, Viettel cũng tài trợ xây dựng 13 công trình (gồm 8 trạm y tế, 3 trường học, 2 nhà bán trú) trên địa bàn 3 huyện Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa) và Đắkrông (Quảng Trị).
Trần Hoàng