Sở Du lịch Đà Nẵng:
“Tâm thư” gửi Thủ tướng là ý kiến cá nhân Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng
(Dân trí) - Sở Du lịch Đà Nẵng vừa có báo cáo nêu rõ văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị xem xét lại “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà - TP Đà Nẵng” là ý kiến cá nhân của ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng gửi Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng ngày 22/3, vừa qua trên địa bàn bán đảo Sơn Trà đã xảy ra sự việc công ty cổ phần du lịch biển Tiên Sa triển khai xây dựng dự án khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép xây dựng, gây phản ứng trong dư luận xã hội về việc san ủi mặt bằng để thi công các biệt thự thuộc khu vực dự án.
Xuất phát từ việc này, Hiệp hội Du lịch đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị xem xét lại “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà-TP Đà Nẵng”.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thông tin với các Phó chủ tịch và Tổng thư kí Hiệp hội Du lịch thì ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, chưa trao đổi nội dung, chưa thông qua thường trực Hiệp hội và Ban chấp hành Hiệp hội du lịch các nội dung nêu trong văn bản trước khi ban hành văn bản. Do đó nội dung văn bản này chỉ mang tính cá nhân của ông Huỳnh Tấn Vinh chứ chưa phải tiếng nói của Hiệp hội Du lịch.
Báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, qua kiểm tra, văn bản của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng ký gửi Thủ tướng ngày 21/3 là ý kiến cá nhân của ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Sở Du lịch cũng cho biết đã liên hệ với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đơn vị được giao lập Quy hoạch để đề nghị giải trình những thông tin, số liệu liên quan như kiến nghị của Hiệp hội Du lịch trong văn bản đã gửi. Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ làm việc cụ thể với Thường trực Hiệp hội Du lịch để trao đổi về vấn đề này.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, ngày 21/3, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng xác nhận đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà - TP Đà Nẵng”. Trong đó, nêu 4 kiến nghị cụ thể:
Giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà. Đà Nẵng hiện nay đã có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, thành phố hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt du khách mỗi năm (2016 đón 5,5 triệu lượt du khách).
Chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm.
Hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội của dân cư.
Hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà (được thành lập theo quyết định số 45/QĐ-TTg) và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.
Khánh Hiền