Thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2014:
Quảng Ninh - Tốp đầu thu ngân sách toàn quốc
Theo báo cáo của Sở Tài chính, dự kiến năm 2014 thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh đạt 33.000 tỷ đồng, bằng 102% dự toán. Với số thu này, Quảng Ninh tiếp tục nằm trong tốp 5 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách cao nhất toàn quốc.
Linh hoạt, chủ động, sáng tạo
Trước khi bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, các chuyên gia kinh tế đều nhận định thị trường đã có dấu hiệu hồi phục nhưng chậm, Quảng Ninh tiếp tục gặp nhiều khó khăn ở một số ngành sản xuất chủ lực, nhất là than.
Giá than xuất khẩu vẫn cao, lượng than xuất khẩu cũng bị hạn chế nên số lượng than xuất khẩu giảm, số thu từ than xuất khẩu năm 2014 dự kiến là 1.000 tỷ đồng, bằng 77% so với cùng kỳ. Cộng với đó là sự thay đổi về cơ chế, chính sách của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, từ tháng 9 tới nay thị trường xăng dầu trên thế giới rớt giá liên tục đã làm giảm lượng thuế xuất nhập khẩu... Từ những nguyên nhân này mà số thu thuế xuất nhập khẩu năm 2014 dự kiến chỉ đạt 17.000 tỷ đồng, giảm 1.750 tỷ đồng so với dự toán Bộ Tài chính và HĐND tỉnh giao. Lĩnh vực xây dựng, bất động sản vẫn chưa hồi phục, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Mặt khác, do ảnh hưởng của tình hình biển Đông nên hoạt động thương mại biên giới trầm lắng, số lượng du khách nhất là du khách Đài Loan, Trung Quốc (chiếm 40% lượng khách đến Hạ Long) đã giảm mạnh ảnh hưởng đến kết quả hoạt động du lịch... Đây chính là những nguyên nhân tiềm ẩn gây hụt thu ngân sách.
Thế nhưng, khó khăn là vậy nhưng với sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã khẩn trương triển khai, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo tăng trưởng nguồn thu. Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp theo chuyên đề với từng lĩnh vực, từng khối sản xuất, kinh doanh như: ngành Than, sản xuất điện, xi măng, vật liệu xây dựng, kinh doanh dịch vụ cảng, dịch vụ du lịch, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan... Nội dung giải quyết tập trung vào những vấn đề cụ thể như việc tiếp cận vốn vay, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh giảm giá thuế đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành Than, doanh nghiệp XNK trong việc báo cáo Chính phủ đề xuất điều chỉnh thuế xuất khẩu than, gỡ dần nút thắt cho hoạt động tạm nhập tái xuất… Vì vậy hoạt động thương mại cửa khẩu, xuất khẩu than đã có chuyển biến tốt hơn trong những tháng cuối năm.
Cộng với những ảnh hưởng tích cực từ kết quả thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của năm trước là cải cách hành chính, cải thiện môi trường, thu hút đầu tư đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo sự tăng trưởng ổn định, đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Với sự chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý, điều hành kinh tế, thu chi NSNN nên trong bối cảnh cả nước hụt thu nhưng Quảng Ninh vẫn đạt số thu 33.000 tỷ đồng, nỗ lực giữ vững vị trí “tốp” đầu các địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước. Hết tháng 10, toàn tỉnh đã có 10/14 địa phương hoàn thành vượt dự toán HĐND tỉnh giao đầu năm, nhiều khoản thu mới đã được tập trung khai thác tốt, hiệu quả.
Đột phá trong thu nội địa
Theo báo cáo của Sở Tài chính, với dự kiến năm 2014 thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 33.000 tỷ đồng, bằng 102% dự toán thì đáng ghi nhận nhất là số thu nội địa đạt 16.000 tỷ đồng, chiếm 48,5% tổng thu NSNN trên địa bàn, tăng 2.259 tỷ đồng, bằng 16% và đạt cao nhất từ trước tới nay đã bù đắp cho phần hụt thu của thuế XNK.
Mặc dù nguồn thu từ than xuất khẩu giảm nhưng cùng với sự tháo gỡ tích cực của tỉnh trong việc đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành Than, sản lượng và giá bán than nội địa tăng cao, thuế suất thuế tài nguyên đã được Bộ Tài chính điều chỉnh tăng 2% tuỳ theo chủng loại đồng thời áp giá tính thuế tài nguyên bằng giá thị trường... Vì thế số thu từ than tiêu thụ nội địa đã đạt 7.505 tỷ đồng, chiếm 47% thu ngân sách nội địa toàn tỉnh. Bên cạnh đó, từ chủ trương thu hút đầu tư các dự án nhiệt điện trên địa bàn tỉnh từ những năm trước nên số thu từ điện đang tăng dần tỷ trọng. Năm 2011: 1,6%, năm 2012: 1,5%, năm 2013: 4,2% thì đến năm 2014 đã chiếm 5% tổng thu nội địa với 840 tỷ đồng.
Dù tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nguồn thu trong khối doanh nghiệp tỉnh đã có sự tăng trưởng mạnh. Khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ước thực hiện 1.440 tỷ đồng, đạt 103% dự toán, chiếm 9% thu nội địa. Số thu ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn tăng trưởng đều (năm 2011: 7,3%, năm 2012: 7,8%, năm 2013: 8,7%). Ở khối doanh nghiệp FDI, dự kiến số thu ngân sách năm 2014 sẽ đạt 1.100 tỷ đồng, chiếm 6,9% số thu nội địa của tỉnh. Đặc biệt, thu ngân sách khối huyện, thị xã, thành phố ước thực hiện năm 2014 đạt 5.884 tỷ đồng, đạt 114% dự toán. Kết quả này không những thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành trong công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn thể hiện rõ công tác quản lý, đôn đốc thu nợ được thực hiện quyết liệt.
Chủ động, linh hoạt, toàn diện, sâu sát trong công tác chỉ đạo điều hành, Quảng Ninh đã đạt được kết quả tốt trong thực hiện chỉ tiêu thu NSNN. Sự tăng trưởng về số thu NSNN trên địa bàn đặc biệt là kết quả thu nội địa sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh có thêm nguồn lực triển khai các dự án động lực cải thiện kết cấu hạ tầng như: Đưa điện lưới ra các xã đảo, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, công tác đảm bảo an sinh xã hội và tạo tiền đề để triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015.
Theo báo Quảng Ninh