Du khách đổ về Hội An khai hội Nguyên Tiêu
(Dân trí) - Đêm 10/2 (tức 14 tháng giêng âm lịch) hàng ngàn người dân và du khách thập phương đã đổ về Hội An hào hứng khai hội Tết Nguyên tiêu Đinh Dậu 2017.
Tết Nguyên Tiêu là một trong những lễ hội truyền thống có từ ngàn xưa, vì Tết Nguyên Tiêu rơi vào ngày trăng tròn đầu tiên của một năm, nên còn được gọi là “Nguyên Tà”, “Nguyên Dạ” hay “Thượng Nguyên”, còn ở ta mọi người quen gọi là rằm tháng Giêng.
Đây là một trong những lễ tết quan trọng của cộng đồng cư dân Hội An, đặc biệt là đối với bà con người Hoa. Tết Nguyên Tiêu không chỉ đơn thuần mang thú vui thưởng ngoạn mà còn có ý nghĩa tâm linh lớn lao: Cúng các vị tiền hiền, vừa cầu mong cuộc sống tốt đẹp (cầu an) no đủ, buôn bán phát tài. Đồng thời mở hội vui chơi để chuẩn bị bước vào công việc của năm mới với nhiều ước vọng, vạn sự như ý.
Cũng vì thế, trong cộng đồng người Hoa ở Hội An, lễ tết này được tổ chức rất linh đình và quy mô, kéo dài từ hai đến ba ngày, quy tụ con cháu từ khắp nơi đổ về và thu hút đông đảo mọi người tham dự, trở thành một lễ hội lớn của bà con người Hoa. Mọi người nô nức trang hoàng nhà cửa, đường phố rực rỡ trong dịp này.
Khác với những địa phương khác thường tổ chức Tết Nguyên Tiêu vào 16 âm lịch, Hội An đã bắt đầu từ rất sớm kéo dài trong 3 ngày (từ 14-16 âm lịch).
Đêm 14 là đêm khai hội Nguyên Tiêu, với nhiều hoạt động hấp dẫn như đêm thơ Nguyên Tiêu, hò Quảng, các trò chơi dân gian…, thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước tham dự.
Đặc biệt, sự kiện tắt đèn diễn ra vào đêm 14 hàng tháng thu hút sự quan tâm của mọi người. Khi ánh điện vụt tắt, tất cả như chìm trong thế giới cổ tích kỳ diệu. Những ánh nến lung linh huyền ảo, đèn hoa đăng, đèn lồng đủ màu sắc càng tăng thêm vẻ lãng mạn, quyến rũ của nơi đây.
Tết Nguyên Tiêu cũng là ngày lễ rất quan trọng của bà con tín đồ đạo Phật (lễ Phật quanh năm, không bằng rằm tháng giêng). Vì ngày rằm tháng giêng còn là ngày vía của Phật tổ Adiđà, nên ở các chùa đều tập trung tổ chức lập đàn cầu Phật, tụng kinh với sự tham gia đông đảo của thiện nam, tín nữ để cúng dương sao giải hạn, cầu mong đức Phật phù hộ.
Đối với cộng đồng cư dân người Việt, ngày này tuy không được coi trọng như cư dân người Hoa, nhưng cũng được xem là ngày Tết Thượng Nguyên.
Một ngày rằm đầu tiên quan trọng trong năm, vì thế tại các đình làng, miếu xóm và ngay ở mọi nhà đều sắm lễ hương hoa, trà, quả, bánh trái... để cúng rằm tháng giêng.
Bạn Lucy (du khách đến từ Anh) hào hứng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và Hội An chính là lựa chọn đầu tiên của tôi. Thật may mắn khi chúng tôi đến với Hội An vào đúng dịp các bạn đang chuẩn bị đón Tết Nguyên Tiêu. Chúng tôi dạo khắp nơi đâu đâu cũng trang trí đèn lồng thật đẹp mắt, thả hoa đăng cầu nguyện bên dòng sông là một trong những trải nghiệm đáng nhớ của tôi tại đây. Tôi sẽ giới thiệu bạn bè, người thân của tôi đến Việt Nam để họ có thể hiểu và yêu hơn con người nơi đây, đặc biệt là phố cổ Hội An”.
N.Linh-C.Bính