Chấn chỉnh hàng quán “bủa vây” tại lễ hội Am Chúa ở Khánh Hòa
(Dân trí) - Liên quan đến việc hàng quán bày bán trong không gian lễ hội Am Chúa (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), Chủ tịch UBND xã Diên Điền - ông Phan Văn Trí cho biết, địa phương sẽ chấn chỉnh và sang năm sẽ có phương án di chuyển xuống dưới chân di tích.
Lễ hội Am Chúa - Khánh Hòa năm nay thu hút khoảng 10.000 khách hành hương và du khách về dâng hương, dự lễ
Hàng quán "xí đường" khách hành hương
Trước đó, trong 3 ngày diễn ra lễ hội Am Chúa (16-18/4), chúng tôi ghi nhận nhiều điểm bày bán các mặt hàng lưu niệm, trang sức, gia dụng, áo quần, vải vóc, thức ăn… xuất hiện dày đặc dọc 2 bậc thang lên khu di tích, men theo triền núi. Mỗi điểm bán hàng được dựng tạm bằng ô, dù (cao 2-3m) do 1 hoặc 2 người đứng ra bày bán, mời chào khách hành hương.
Có thể nói, các điểm bán hàng này vô hình chung đã thu hẹp đáng kể không gian đường lên di tích. Chính điều này đã khiến không ít người hành hương cảm thấy đi lại rất khó khăn, chật chội. Điều đáng nói, dưới chân di tích Am Chúa có nhiều khoảnh đất rất trống trải, bằng phẳng để bố trí các hàng quán, chứ không nhất thiết phải nằm trong không gian di tích.
Trả lời báo chí, ông Phan Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Diên Điền (huyện Diên Khánh), Trưởng ban tổ chức lễ hội Am Chúa thừa nhận đó là tồn tại trong lễ hội năm nay. Theo ông Trí, nhiều năm nay, khi bắt đầu lễ hội thì bà con các nơi đổ về di tích Am Chúa bày bán hàng hóa trong 3 ngày lễ hội diễn ra.
Chủ tịch UBND xã Diên Điền nói rằng: “Nói chung, lễ hội thì phải bán, nếu không bán thì không vui!”. Chính quyền địa phương “tạo điều kiện cho bà con” và không hề thu bất cứ đồng phí nào.
Địa phương rút kinh nghiệm
Tuy nhiên sau khi phân trần, Chủ tịch xã nói sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp từ chúng tôi và khẳng định sang năm sẽ quy hoạch lại khu bán hàng cho quy củ, nhiều khả năng sẽ tạo mặt bằng, đưa xuống dưới chân di tích. “Cái này địa phương thấy rồi! Địa phương rút kinh nghiệm sang năm không cho bán nữa, dọc theo bậc thang”, Trưởng ban tổ chức lễ hội Am Chúa khẳng định.
Theo một lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, cơ quan này chỉ quản lý, hỗ trợ về mặt chuyên môn - nghiệp vụ, còn về tổ chức hoạt động là do địa phương phụ trách.
Theo đó, khi tổ chức lễ hội thì thành lập một Ban tổ chức, do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, còn Trưởng ban quản lý di tích Am Chúa hiện nay làm Phó ban tổ chức lễ hội. Liên quan đến câu chuyện “khu chợ” xô bồ bát nháo dọc đường lên di tích Am Chúa, lãnh đạo Trung tâm này nói sẽ đưa nội dung này trao đổi lại với địa phương để có giải pháp “mạnh tay” hơn.
Năm nay, lễ hội Am Chúa - Khánh Hòa kéo dài trong 3 ngày, từ ngày mùng 1-3/3 âm lịch, tức từ ngày 16-18/4, với khoảng 10.000 người về hành hương, dự lễ. Theo truyền thuyết, khu di tích thờ Thiên Y Thánh Mẫu - người Mẹ xứ sở (còn được gọi là Bà chúa ngọc Thiên Y A Na), đã trở thành tín ngưỡng dân gian phổ biến ở Khánh Hòa và một số tỉnh Nam Trung Bộ.
Theo lưu truyền, Bà chúa ngọc Thiên Y A Na là người đã dạy cho người dân biết trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi, cấy cày… nên người dân vùng này đã lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của bà.
Viết Hảo