“Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ảo hóa và đám mây”

(Dân trí) - VMware, hãng hàng đầu toàn cầu về hạ tầng ảo hóa và đám mây, đánh giá VN là thị trường tiềm năng cho ảo hóa và đám mây, bởi đây là xu thế tất yếu, nó đã quét qua phần lớn các nước trên thế giới. Và VN không nằm ngoài xu thế đó.

Tại sự kiện thường niên công nghệ vStart VMware Technology Day 2011 vừa mới được hãng này khởi động tại khách sạn Hà Nội, ông Ed Lenta, Tổng Giám đốc của VMware ASEAN, cho biết: “Nhu cầu về CNTT và kinh doanh của từng tổ chức là khác nhau và sẽ không có một phương thức tiếp cận đám mây nào phù hợp cho tất cả. Chúng tôi hiểu rõ thực tế đó, và đó cũng là lý do khách hàng của chúng tôi ở Việt Nam lại đang tìm kiếm những sản phẩm hàng đầu thị trường của chúng tôi như VMware vSphere để chuyển đổi những trung tâm dữ liệu của họ sang các hạ tầng điện đoán đám mây đơn giản.”

 

Cái tên VMware đã quen thuộc trên thị trường công nghệ trong nhiều năm qua, nhưng đâu là lần đầu tiên hãng này chính thức “đến” Việt Nam bởi, tuy VMware có mặt tại Việt Nam lâu rồi thông qua các hoạt động triển khai giải pháp của các đối tác. “VMware nhận thấy nhu cầu và tiềm năng thị trường VN rất cao, và muốn được phục vụ khách hàng tốt hơn, trực tiếp hơn, giúp khách hàng có thể trao đổi trực tiếp với người của VMware về nhu cầu, thách thức, khó khăn, cũng như những giải pháp có thể giúp họ nâng cao hiệu quả kinh doanh”, ông Ed Lenta nhấn mạnh.
 
“Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ảo hóa và đám mây” - 1

VMWare đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ảo hóa và đám mây.

 

Trong sự kiện vStart VMware Technology Day 2011, VMware ra mắt giải pháp tổng thể đầu tiên xây dựng hạ tầng đám mây, bao gồm 5 cấu phần. Trong đó, vSphere 5 là hệ điều hành giúp xây dựng môi trường điện toán đám mây riêng trong trung tâm dữ liệu. Trên thực tế, trong 1 tổ chức, doanh nghiệp thường có các bộ phận tài chính, marketing…, và mỗi bộ phần đều có tài nguyên điện toán riêng, đều có những trung tâm dữ liệu ảo riêng chạy trên một trung tâm dữ liệu vật lý chung. VMware vSphere sẽ tập trung hóa tất cả tài nguyên dữ liệu, tài nguyên bộ nhớ, tài nguyên CPU, tài nguyên đĩa, tài nguyên lưu trữ... trở thành một kho tài nguyên chung, sau đó phân bổ cho người dùng dưới dạng dịch vụ. Người dùng có thể tra qua cataloge để yêu cầu cấp phát tài nguyên cho mình một cách tự động.

 

vCenter Site Recovery Manager (SRM) là ứng dụng đảm bảo tính liên tục cho hoạt động kinh doanh. Khi có sự cố xảy ra sẽ chuyển mạch bảo vệ sang hệ thống dự phòng, sau đó có thể chuyển ngược trở lại khi hệ thống tái ổn định.

 

Giải pháp thứ 3 là vCenter Operations, đo lường và giám sát các hoạt động trong các trung tâm dữ liệu điện toán đám mây riêng.

 

vShield Security là giải pháp thứ 4, bảo mật an ninh trong môi trường ảo hóa điện toán đám mây. Đối với môi trường điện toán đám mây, không thể áp dụng biện pháp an ninh bảo mật vật lý mà cần có giải pháp bảo mật ảo hóa nằm trong lớp ảo hóa của hệ điều hành của trung tâm dữ liệu. Khi đó sẽ có tường lửa ảo bao quanh các ứng dụng ảo. Đối với các trung tâm dữ liệu sẽ có các tường lửa ảo nằm ở lối vào các trung tâm dữ liệu để bảo vệ hệ thống ảo hóa.

 

Trong khi đó, giải pháp vCloud Director giúp các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng cataloge, chế độ cấp phát tài nguyên, tính cước theo dung lượng tài nguyên sử dụng.

 

Theo VMware, bộ giải pháp của hãng giúp khách hàng triển khai các ứng dụng kinh doanh quan trọng với độ tin tưởng cao nhờ có tính năng hiệu năng cực cao và tính khả mở linh loạt của vSphere 5. Nhờ đó khách hàng có thể chạy những ứng dụng kinh doanh quan trọng và tốn nhiều tài nguyên một cách thoải mái trong môi trường ảo hóa và đám mây

 

Giải pháp cũng đáp ứng nhu cầu kinh doanh nhanh hơn nhờ khả năng linh hoạt của đám mây - từ phân bổ tài nguyên nhanh chóng tới quản lý thông minh hoạt động hệ thống, bộ giải pháp toàn diện này giúp đơn giản hóa quản lý hạ tầng một cách triệt để

 

VMware phát triển tính năng bảo mật từ môi trường vật lý sang ảo hóa, được thực thi và quản lý bởi các chính sách bảo mật, khiến khách hàng hoàn toàn tin tưởng vào năng lực bảo vệ các ứng dụng và dữ liệu của họ cho dù chúng (dữ liệu và ứng dụng) được đặt ở đâu hay chúng thường xuyên chuyển đổi giữa các môi trường đám mây tư, công, và lai như thế nào.

 

Hiện tại, tại Việt Nam, VMware đã có những khách hàng quan trọng, như ngân hàng Sacombank, ngân hàng Đông Á và công ty Internet VNG. Sacombank sử dụng các giải pháp VMware vSphere, VMware vCenter Site Recovery Manager và VMware View 4 đảm bảo độ sẵn sàng cao, khả năng khôi phục nhanh chóng trong khi giảm chi phí cũng như gánh nặng lên các trung tâm dữ liệu. Ngân hàng này cũng đang tìm hiểu về triển khai hạ tầng máy bàn ảo với VMware

 

Trong khi đó, ngân hàng Đông Á sử dụng VMware vSphere và VMware vCenter Management Suite để đơn giản hóa và tự động hóa việc quản lý các hoạt động ngân hàng, giảm chi phí hạ tầng, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn nhờ tối ưu hóa công suất hệ thống.

 

Ông Lenta còn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ảo hóa và đám mây, bởi đây là xu thế tất yếu, nó đã quét qua phần lớn các nước trên thế giới. Và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó.
 
Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm