Giáo dục và đổi mới: Yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Vừa qua, tập đoàn Microsoft, nhà phát triển phần mềm khổng lồ hàng đầu thế giới đã tổ chức hội nghị ‘Thúc đẩy tiềm năng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” tại Singapore nhằm chia sẻ thông tin...
... và đưa ra mục tiêu giúp các quốc gia trong khu vực phát huy tối đa tiềm năng của mình để góp phần thúc đẩy nền kinh tế. Tại hội nghị , các lãnh đạo tập đoàn Microsoft cùng các đối tác, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như CNTT, giáo dục, y tế vv.. đã cùng nhau chia sẻ những điểm nổi bật về những nền tảng vững mạnh trong khu vực, báo hiệu trước năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ ngày càng gia tăng, thuận lợi để phát triển tính cạnh tranh quốc gia mà trong đó trọng tâm sẽ được tập trung vào lĩnh vực giáo dục và đổi mới. Có thể thấy, một lần nữa vai trò quan trọng và không thể thiếu của ngành công nghệ thông tin lại càng được nhấn mạnh bởi công nghệ thông tin giúp xóa bỏ khoảng cách và đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của con người.
Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng trong khu vực với lực lượng dân số khá đông và trẻ, gần 90 triệu dân và trong đó có tới hơn 90% dưới hoặc đang trong độ tuổi lao động, 65% dân số dưới 35 tuổi, nền kinh tế Việt Nam đã và đang có những bước chuyển biến rõ rệt trong những năm gần đây. Trong đó, ngành công nghệ thông tin truyền thông được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế quốc gia.
Theo một số khảo sát gần đây, chỉ số phát triển CNTT-TT Việt Nam tăng 7 bậc từ 93 lên 86, đây là một dấu hiệu tốt cho ngành công nghệ thông tin trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được thì ngành CNTT-TT cũng cần nỗ lực không ngừng để đạt được mục tiêu về tầm nhìn của chính phủ năm 2020: Đứng thứ 70 trong bảng chỉ số phát triển ICT của liên minh viễn thông quốc tế (ITU) vào năm 2015 và chiếm vị trí 60 vào năm 2020, đưa Việt Nam trở thành top 10 quốc gia xuất khẩu phần mềm và dịch vụ nội dung số, một trong những quốc gia hàng đầu về nguồn lực gia công công nghệ thông tin thế giới vv…Có thể thấy, để đạt được những mục tiêu chiến lược này thì ngành CNTT-TT Việt Nam cần có những chính sách và chiến lược cụ thể để phát huy tối đa ưu điểm và lợi thế sẵn có và khắc phục những “lỗ hổng” và điểm yếu còn đang tồn tại.
Nhận định về thế mạnh của ngành CNTT-TT Việt Nam, ông Orlando Ayala, Chủ tịch khối thị trường mới nổi của tập đoàn Microsoft chia sẻ với báo chí Việt Nam, “Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, với gần 90 triệu dân mà trong đó 65% dân số dưới độ tuổi 35, đây chính là một ưu điểm mà các bạn đang có bởi thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay vô cùng năng động. Hơn thế nữa tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam cho ngành CNTT-TT năm 2020 đã nhận thấy tiềm năng phát triển nguồn nhân lực có kiến thức về công nghệ cho cả thị trường trong và ngoài nước sẽ giúp Việt Nam có hướng đi đúng đắn. Tôi cho rằng sự phát triển nguồn nhân lực với kỹ năng và chuyên môn trong nước là vô cùng cần thiết để đạt được mục tiêu của Chính phủ. Microsoft luôn sẵn sàng hợp tác với Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng này”.
“Để tiến tới một nền kinh tế đổi mới, các thị trường mới nổi cần nhìn vào những vấn đề như xây dựng kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực, thay đổi nền giáo dục, áp dụng những hiệu quả của chính phủ điện tử đề phục vụ công dân và các doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới trong nước bằng cách khuyến khích nhiều hơn nữa sự hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, có cơ cấu chính sách đúng đắn, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng vv..”, ông Orlando chia sẻ thêm.
Lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này cũng đã khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia trong thế kỷ tiếp theo và chỉ ra bốn vấn đề trọng tâm mà Microsoft sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam: Xây dựng kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới để giúp các công ty trong nước có thể xuất khẩu phần mềm, hỗ trợ Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, giúp xây dựng hệ thống giáo dục hiệu quả từ cấp tiểu học, trung học, đại học vv...
Tham gia vào thị trường Việt Nam hơn 10 năm, phương châm hoạt động cộng đồng của Microsoft trên toàn thế giới là “khám phá tiềm năng thông qua con người, công nghệ và sự hợp tác”. Có thể thấy, tôn chỉ này đã được hiện thực hóa thông qua các chương trình hợp tác giáo dục với Bộ Giáo Dục và Đào Tạo như chương trình Đối tác trong giáo dục - Partners in Learning, DreamSpark/ Live@edu, Imagine Cup nhằm mang đến các công nghệ và chương trình đào tạo miễn phí cho những công ty mới thành lập và những doanh nghiệp trong nước với chương trình BizSpark, WebsiteSpark hay hợp tác với Bộ Thông Tin và Truyền Thông để thành lập trung tâm đổi mới của Microsoft (Microsoft Innovation Centre) để tư vấn ý tưởng cho thị trường, phát triển các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên gia công nghệ thông tin tại Việt Nam được công nhận trên toàn cầu.
Trong lĩnh vực giáo dục, chương trình Đối tác trong giáo dục - Partners in Learning của Microsoft đã nhận được triển khai khá thành công tại Việt Nam và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các Sở ngành tại các địa phương trong cả nước. Thông qua chương trình này, hơn hai triệu học sinh và năm mươi ngàn giáo viên trong cả nước được tiếp cận và nâng cao kiến thức về công nghệ. Đánh giá về chương trình này, ông Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, “Chúng tôi đã đạt được những thành tựu quan trọng trong giảng dạy và học tập. Các giáo viên sau khi tham gia các khóa đào tạo đã có những đóng góp đáng ghi nhận trong đổi mới phương pháp dạy và học.”
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, “Microsoft đã tạo ra một ngôi trường mở phát huy tiềm năng cho người học và mở ra những cơ hội cho giáo viên được tiếp cận thông tin. Đây là một phương pháp hiệu quả giúp thay đổi cách quản lý trường lớp, và đặc biệt là thay đổi phương pháp dạy và học truyền thống trước đây”
Con người là yếu tố quan trọng trong việc giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và việc đầu tư giáo dục được coi là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Ông Orlando cũng nhấn mạnh với báo chí Việt Nam, “Lợi thế của Việt Nam là nguồn nhân lực trẻ và dồi dào, do đó, chúng ta cần tập trung vào lĩnh vực giáo dục để nâng cao kỹ năng bằng cách cung cấp cho họ những giải pháp về các vấn đề, đưa ra các tư duy chiến lược, hợp tác, truyền thông và toán học”.