Yêu - ghét rạch ròi

Một diễn viên trẻ kể rằng mình vừa tiếp cận với một hợp đồng quảng cáo và rất buồn cười khi “lần đầu tiên tôi thấy điều khoản ràng buộc mà thương hiệu quảng cáo đưa ra với gương mặt đại diện là cam kết không bán dâm...”

Thính giả chương trình “Wait wait... Don’t tell me!” của đài NPR, Mỹ đồng loạt lên tiếng phản đối chương trình phát sóng của đài này tuần qua khi mời Kim Kardashian lên sóng.

Nhiều người nói rằng họ thấy ghê tởm và thất vọng cho một chương trình phát thanh nổi tiếng của đài này. Thông tin từ CNN cho biết nhân viên đài NPR, cô Elizabeth Jensen, thừa nhận: “Nhiều thính giả phản đối việc Kim Kardashian là khách mời của chương trình để quảng bá cho cuốn sách ảnh “tự sướng” mang tên “Selfish” (Ích kỷ) vừa xuất bản của cô”.

Kim Kardashian và cuốn sách Selfish Ảnh: REUTERS

Kim Kardashian và cuốn sách Selfish Ảnh: REUTERS

Nhà báo Mike Pesca, người phụ trách phỏng vấn Kim Kardashian trong chương trình này, nói anh thấy việc mời nhân vật này là thú vị vì “cô ấy nổi tiếng và vừa ra mắt sách ảnh “tự sướng” - chủ đề khá vui, cô ấy không ngại ngùng gì”. Nhưng một thính giả nhắn nhủ với nhà đài: “Tôi đã yêu thích chương trình này nhiều năm nay nhưng việc mời Kim Kardashian là sai lầm của chương trình và xúc phạm người nghe đài như tôi, có thể tôi sẽ không nghe chương trình này nữa”. Người này cho rằng Kim “siêu vòng ba” là một nhân vật “bị thổi phồng, nhạt nhẽo, bất tài, nông cạn, có được danh tiếng và tiền bạc không nhờ lao động chăm chỉ” nên không thể là khách mời của một chương trình phát thanh tầm cỡ như vậy.

Ở Việt Nam, câu chuyện về một ngôi sao của làng giải trí có dính líu đến xì-căng-đan tình ái với người đàn ông có gia đình đã làm “nóng” cư dân mạng suốt thời gian qua. Chưa cần biết thực hư thế nào, chỉ cần bằng chứng là những tấm hình đăng tải trên mạng xã hội, lập tức mọi người đã kêu gọi tẩy chay ngôi sao này và tẩy chay cả những nhãn hàng mà cô đang làm gương mặt quảng cáo.

Bị ảnh hưởng xấu đến nhãn hàng, bị người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay, các thương hiệu nhãn hàng có liên đới thấy e ngại, lo lắng là điều dễ hiểu. Một vài nhãn hàng rút lại kế hoạch quảng cáo của mình vì có hình ảnh liên quan đến gương mặt này. Những hợp đồng mới dự định ký phải ngưng lại để xem xét.

Một diễn viên trẻ kể rằng mình vừa tiếp cận với một hợp đồng quảng cáo và rất buồn cười khi “lần đầu tiên tôi thấy điều khoản ràng buộc mà thương hiệu quảng cáo đưa ra với gương mặt đại diện là cam kết không bán dâm, nếu bị phát hiện tham gia vào đường dây bán dâm, sẽ phải bồi thường hợp đồng nặng” - diễn viên này nói. Lâu nay, việc các nhãn hàng ràng buộc gương mặt đại diện tránh vướng vào xì-căng-đan để giữ hình ảnh cho thương hiệu gần như là phổ biến song điều khoản “không được bán dâm” thì có lẽ mới lần đầu có.

Có khen - phạt một cách rạch ròi cũng là cách để showbiz được thanh sạch. Khi trở thành người của công chúng, anh sẽ được nhiều thứ nhưng một khi gây ra tai tiếng làm ảnh hưởng xấu đến những giá trị chuẩn mực của đời sống xã hội thì anh phải chịu sự trừng phạt, âu cũng là lẽ công bằng. Điều đó cũng có nghĩa chỉ những nghệ sĩ làm nghệ thuật chân chính mới xứng đáng trở thành người của công chúng, được tôn vinh và tôn trọng.

Ngay cả ở trời Tây, nơi có cái nhìn thông thoáng hơn về chuẩn mực đạo đức, công chúng vẫn có nguyện vọng xây dựng một môi trường hoạt động nghệ thuật thực sự trong sạch. Mang danh nghệ sĩ là phải cố gắng cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Chiêu trò chỉ là thứ “rác rưởi” cần được dẹp bỏ. Kim Kardashian là một ví dụ. Trở thành ngôi sao truyền hình thực tế bằng xì-căng-đan và cô không ngại tạo xì-căng-đan, kể cả việc công bố phim sex của mình. Vì vậy, công chúng không muốn tên cô được liệt vào danh sách các ngôi sao cũng là hợp lẽ. Ở Việt Nam, cũng cần công chúng có thái độ như thế để showbiz trở nên lành mạnh và chuyên nghiệp.

Theo Thụy Vũ
Người lao động