Hướng tới ngày Quốc tế Phụ nữ:
Xúc động trước vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam thời chiến
(Dân trí) - Những bức ảnh dưới đây là những khoảnh khắc về niềm vui, nỗi buồn, sự mất mát, hy sinh, sự kiên cường, dũng cảm của những cô gái tuổi thanh niên đến những bà mẹ tóc đã bạc ở hai miền đất nước trong kháng chiến chống Mỹ.
Đến triển lãm “Hai chị em- hai trận tuyến”, khách tham quan sẽ cảm nhận được những khoảnh khắc của niềm vui, nỗi buồn, sự mất mát, hy sinh, sự dũng cảm, kiên cường từ những cô gái tuổi thanh niên đến những bà mẹ tóc đã bạc ở hai miền đất nước trong kháng chiến chống Mỹ.
Sau khi hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí kết năm 1954, Việt Nam bị chia cắt làm 2 miền. Miền Bắc được giải phóng bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa, là hậu phương chi viện sức người sức của cho tiền tuyến miền Nam, vừa chiến đấu chống lại các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Miền Nam tiếp tục sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, trực tiếp đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Trong hoàn cảnh lịch sử đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tập hợp trong tổ chức Hội, phụ nữ hai miền đã có nhiều hoạt động đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.
Ra đời năm 1961, Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu tập hợp các tầng lớp phụ nữ. Thực hiện sáng tạo phương châm “hai chân, ba mũi giáp công”, kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang và binh vận, phụ nữ miền Nam đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các cuộc đấu tranh chính trị ở nông thôn và thành thị. Phụ nữ miền Nam mạnh mẽ đấu tranh, trở thành “Đội quân tóc dài” huyền thoại với sức mạnh níu cánh máy bay, bịt nòng đại bác, là niềm tự hào của dân tộc, là nỗi khiếp sợ của quân thù.
Bức ảnh Bắc Nam sum họp do Võ An Khánh chụp năm 1975 tại huyện Hồng Dân - Bạc Liêu, nhân dịp các bà mẹ miền Bắc và miền Nam gặp nhau nhân dịp thống nhất đất nước
Phụ nữ miền Bắc hăng hái tham gia phong trào "Ba đảm đang" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động 3/1965: đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đảm đang gia đình. Vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống thời chiến, với tinh thần chia lửa và “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, quyết tâm xây dựng và bảo vệ miền Bắc, chị em đã vươn lên trên mọi lĩnh vực, vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa cố gắng nỗ lực để trở thành những người lãnh đạo, quản lý giỏi. Phong trào phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động được sự tham gia của hàng chục triệu phụ nữ, tạo thành nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoạt của đế quốc Mỹ, vừa trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng dư âm về một thời lịch sử hào hùng thì mãi còn vang vọng. Nhân kỷ niệm 55 năm “Đội quân tóc dài” và 50 năm phong trào “Ba đảm đang”, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng tỉnh Nam Định tổ chức triển lãm Hai chị em - Hai trận tuyến.
Triển lãm khai mạc sáng ngày 6/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội và kéo dài đến hết tháng 3/2015 tái hiện cuộc sống chiến đấu, lao động của người phụ nữ trong chiến tranh qua ký ức của những nhân chứng lịch sử. Đến với triển lãm, khách tham quan sẽ cảm nhận được những khoảnh khắc của niềm vui, nỗi buồn, sự mất mát, hy sinh, sự dũng cảm, kiên cường từ những cô gái tuổi thanh niên đến những bà mẹ tóc đã bạc ở hai miền đất nước trong kháng chiến chống Mỹ.
Một số hình ảnh xúc động tại triển lãm:
Chị Nguyễn Thị Song, Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang (trái) đang trao đổi kỹ thuật nuôi bèo hoa dâu với tổ viên
Nữ dân quân Hà Thị Nhiên kéo xác máy bay Mỹ bên bờ biển Hải Thịnh, Hải Hậu, Nam Định ngày 25/5/1966
Nữ dân phòng trong những ngày Mỹ ném bom Hà Nội tháng 12/1972
Dân quân Nghĩa Lâm, Nghĩa Hưng, Nam Định bắn máy bay Mỹ, 1972
Dân quân Nghĩa Lâm chở xác máy bay Mỹ
Vá áo cho bộ đội ngay trên trận địa
Giờ giải lao của nữ lái xa Trường Sơn, Quảng Bình năm 1968
Những nữ phật tử tuyệt thực ở bến Ngự, Huế để đấu tranh đòi Mỹ Thiệu trả tự do cho những người bị bắt
Chị em tuần hành lên án tội ác man rợ của Mỹ ở Sơn Mỹ, Quảng Ngãi
Nữ dân quân ngoại thành Hà Nội đón con sau giờ trực chiến
Chị Nguyễn Thị Ngọc, công nhân công ty xây lắp Hải Phòng sinh một lần 3 con trai. Chồng hy sinh năm 1966, chị một mình vừa công tác vừa nuôi dạy con
Nguyễn Hằng