Xúc động những câu chuyện trong “Linh thiêng Đất Mẹ ngàn năm”

(Dân trí) - Nhân dịp 70 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), tối 27/7, chương trình truyền hình đặc biệt “Linh thiêng Đất Mẹ ngàn năm” đã kể lại những câu chuyện xúc động về những người mẹ liệt sĩ, những người cựu chiến binh…

“Linh thiêng Đất Mẹ ngàn năm” - Chương trình đã đưa khán giả trở lại những địa danh trong lịch sử chiến tranh: Từ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, tuyến lửa miền trung tới các hải đảo.

Toàn bộ hình ảnh, những câu chuyện về sự hy sinh anh dũng và tinh thần quả cảm của người lính trong chương trình, là câu chuyện về cuộc sống trong hang Suốt Cụt, nơi được coi là hậu phương giữa lòng tiền tuyến, của các chiến sĩ quyết tử bảo vệ cao điểm ở biên giới phía Bắc.

Người mẹ nghèo... mong một lần được ra Trường Sa

Trong đó, câu chuyện của bà Trịnh Thị Mão (67 tuổi) ở Nam Toàn, Nam Trực, Nam Định khiến nhiều rất xúc động. Chồng qua đời từ năm 1996, bà Mão một mình “cày sâu cuốc bẫm” nuôi hai cậu con trai khôn lớn. Những tưởng tuổi già sẽ có chỗ tựa nương, cậy nhờ… nhưng không may, cách đây gần 8 năm cậu con trai thứ hai là Hoàng Văn Nghĩa (1986) đã vĩnh viễn nằm lại ở Trường Sa.

Bà Mão kể, vào một buổi chiều của tháng 2/2010, đại diện chính quyền xã xuống báo tin cậu con trai út ngoan hiền, hiếu thảo và chăm chỉ của bà đã hy sinh tại Trường Sa. Nghe tin, bà đã không tin nổi vào tai mình vì trước đó Nghĩa vẫn gọi điện về báo tin với mẹ chỉ còn 2 tháng nữa là hoàn thành nghĩa vụ trở về đất liền. Sự hy sinh đường đột của con trai ngoài đảo xa, ngay giữa thời bình khiến người mẹ hiền xót xa vô hạn. Bà gào tên con rồi ngất lịm đi trong muôn vàn đau đớn.

Mỗi lần nhớ con, bà Trịnh Thị Mão lại thơ thẩn ngoài bờ biển, hướng về Trường Sa.
Mỗi lần nhớ con, bà Trịnh Thị Mão lại thơ thẩn ngoài bờ biển, hướng về Trường Sa.

Từ ngày Nghĩa hy sinh, bà Mão thui thủi một mình trong căn nhà nhỏ. Con trai cả vì hoàn cảnh gia đình nên phải tha phương nơi trời Nam, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ được một lần. Những lúc nhớ Nghĩa, bà lại đạp chiếc xe lọc cọc ra gần biển, thẫn thờ nhìn về phía Trường Sa với bao niềm thương nhớ.

Theo bà Mão, hiện phần mộ của Nghĩa vẫn đang được an táng tại Trường Sa. Vào tháng 4/2011, UBND tỉnh Nam Định đã cho anh trai của Nghĩa ra Trường Sa nhận mộ phần và thắp hương cho em. Gia đình không muốn cho bà đi vì tuổi của bà đã cao, sức khoẻ của bà đã yếu… Người ta sợ bà sẽ không thể chịu nổi khi đứng trước mộ phần của con trai. Tuy vậy, từ sâu thẳm trái tim, người mẹ hiền vẫn chưa bao giờ nguôi niềm mong ước được đưa mộ con về đất liền để bà tiện bề hương khói, thăm nom…

“Ngày Nghĩa ra Trường Sa làm nghĩa vụ, cháu cứ nắm tay bảo mẹ ở nhà chịu khó, 3 năm con sẽ về. Nhưng khi chỉ còn 2 tháng nữa con được về với mẹ thì con lại vĩnh viễn nằm lại Trường Sa. Bao năm tháng qua, tôi chưa hề có giấc ngủ ngon vì từng tiếng nói, nụ cười và dáng hình của con vẫn hiện về rõ mồn một. Người ta bảo tuổi già cả nghĩ, tôi sống một mình nên càng cả nghĩ hơn. Có nhiều hôm nhớ con quá, dù nửa đêm nhưng vẫn đạp xe ra biển, nhìn về phía xa… rồi thì thầm gọi tên con cho đỡ nhớ. Thỉnh thoảng lại đưa quần áo mà đồng đội gửi về sau khi con hy sinh ra phơi để có chút cảm giác con đang gần bên mẹ…”, bà Mão nghẹn ngào kể.

Bài hát về những lính Vị Xuyên lần đầu phổ biến

Cũng trong buổi trò chuyện, nhạc sĩ Trương Quý Hải xúc động kể về những kỷ niệm trong trận đánh tháng 3/1985, khi sư đoàn 365 của ông được giao đánh chiếm lĩnh toàn bộ núi đá vôi 685, giành giật từng tấc đất với địch ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang. Trận chiến ấy đã xúc tác cho ông viết nên ca khúc “Sáu tám lăm”. Những núi đá 685, lò vôi thế kỷ… nơi mà những đồng đội của ông đã hy sinh đều được tái hiện qua khí thế hào của giai điệu và lời ca.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải và nhà thơ Anh Ngọc giao lưu trong chương trình.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải và nhà thơ Anh Ngọc giao lưu trong chương trình.

“Máu xương của anh em giờ đã hoà vào đất đá biên cương. Nơi ấy, những lời thề đã trở thành bất tử: “Sống bám đá, chết hoá đá”. Theo nhạc sĩ Trương Quý Hải, dù bài hát đã được sáng tác từ lâu nhưng vì những điều kiện khác nhau mà chưa được phổ biến, chỉ những người lính từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên mới biết đến. Và trong chương trình “Linh thiêng Đất Mẹ ngàn năm”, lần đầu tiên ông hát vang ca khúc này trên sóng truyền hình.

“Tôi biết, đã từng có những đồng đội của tôi mong sống sót sau cuộc chiến để được nghe lại bài hát này. Cũng có những người đã biết đến bài hát này trước khi hy sinh. Và lần này, tôi cùng những đồng đội cất vang lời ca để hát cho mọi người cùng nghe, trong đó có cả những người đồng đội của tôi. Tôi xem đây như là một kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời. Đây cũng là lời tri ân của những người còn sống như chúng tôi với những người đồng đội đã hy sinh ở 685 nói riêng và toàn bộ mặt trận Vị Xuyên nói chung”, nhạc sĩ Trương Quý Hải nói.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm