Xuất khẩu phim truyền hình Việt: “giấc mộng” vô hình?

(Dân trí) - Trong khi điện ảnh Việt đã có nhiều bộ phim xuất khẩu thành công và gây được tiếng vang lớn thì phim truyền hình Việt vẫn đang như một “giấc mộng” vô hình.

“Giấc mộng” này bị “ủ” quá lâu

Đầu năm 2003, khi bộ phim “Đất phương Nam” do NSƯT Nguyễn Vinh Sơn viết kịch bản và đạo diễn được xuất khẩu sang Mỹ đã mở ra một “giấc mộng” lớn về việc xuất khẩu phim truyền hình đối với nhiều đơn vị sản xuất phim trong nước. Bộ phim này trước khi có mặt ở Mỹ đã phải mang qua Singapore để nhờ một công ty chuyên gia công phim cho Hollywood làm lại về kỹ thuật và mỹ thuật. Bộ phim sau đó được chuyển thành bộ đĩa DVD, có phụ đề tiếng Anh và bán khá chạy trên thị trường băng đĩa Mỹ.

“Chuyến hàng” đầu tiên này của TFS đã mở đường cho hàng loạt phim truyền hình khác như: Ngọn nến Hoàng cung, Mekong ký sự… cũng bán được cho một đại lý ở Mỹ để phát hành DVD.

Đất phương Nam là phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu thành công. Ảnh: TL.
"Đất phương Nam" là phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu thành công. Ảnh: TL.

Rồi những phim truyền hình khác như: Dòng đời, Người đẹp Tây Đô, Mùi ngò gai, Chuyện tình công ty quảng cáo, Tình án... cũng đã nhanh chóng có mặt trên thị trường một số nước dưới dạng DVD. Tuy nhiên, đối tượng tiếp cận với những phim này chủ yếu là người Việt ở nước ngoài và thông qua phương thức băng đĩa lậu.

Tuy nhiên, thời đó, các nhà sản xuất phim vẫn coi đây là tín hiệu đáng mừng để có thể nuôi “giấc mộng” lớn về việc xuất khẩu phim truyền hình ra nước ngoài. Chỉ tiếc rằng, “giấc mộng” này bị “ủ” quá lâu và con số phim xuất khẩu vẫn chỉ giẫm chân ở những con số đếm được. Mãi đến tận năm ngoái (2016), công ty Lasta đã ký hợp đồng với Myanmar để phát sóng định kỳ trên sóng truyền hình quốc gia 3 bộ phim: Nghiêng nghiêng dòng nước, Trả giá và Sương khói đồng hoang.

Theo ông Trần Minh Tiến - Giám đốc kênh truyền hình Let’s Viet thì sở dĩ phía Myanmar đồng ý phát sóng 3 bộ phim kể trên trên sóng truyền hình quốc gia là vì nội dung phim gần gũi, chân thực và có định hướng tích cực đến xã hội.

Bộ phim Tuổi thanh xuân phần 1 sau khi phát sóng ở Việt Nam đã đến với các quốc gia như: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Myanmar, Hong Kong, Đài Loan, Australia thông qua Channel M. Tại Hàn Quốc, bộ phim này đã được chiếu trên kênh StoryOn với phụ đề tiếng Hàn. Tuy nhiên, công trạng này vẫn chủ yếu thuộc về phía đối tác Hàn Quốc.

Mới đây, trong buổi họp báo phim truyền hình “Người phán xử”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC), Đài Truyền hình Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, “Người phán xử” là bộ phim đạt chuẩn về kỹ thuật lẫn nghệ thuật, có thể mở ra hướng xuất khẩu phim Việt sang các nước trong khu vực.

“Chúng tôi đã dồn toàn bộ nhân lực và vật lực của VFC để đưa bộ phim đạt được những tiêu chuẩn âm thanh, hình ảnh ngang ngửa với các bộ phim VFC đã hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc thời gian qua. Và hướng tới tiêu chuẩn có thể xuất khẩu ra thị trường châu Á. Phim thu tiếng đồng bộ, một tiêu chuẩn mà thế giới đã thực hiện từ lâu, nhưng với phim truyền hình Việt thì lâu lâu mới có. Để làm được điều này, ngoài việc lựa chọn diễn viên rất khắt khe còn có sự tham gia của 3 đạo diễn, kịch bản tốt…”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói.

Con đường “xuất khẩu phim” vẫn đang đầy trúc trắc!

Trong một hội thảo nằm trong khuôn khổ “Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình lần thứ nhất”, nhiều đại diện của Malaysia, Singapore… đã đề cập khá nhiều đến việc Việt Nam cần phải đưa giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phim trong nước để có thể xuất khẩu được ra các nước trong khu vực. Bản thân ông Mustakim- Hiệp hội Sáng tạo nội dung Malaysia cho biết, tính đến năm 2012, mỗi năm Malaysia bán phim điện ảnh và truyền hình được 60 triệu USD, tiến tới 130 triệu USD năm 2020. Nhằm phát triển công nghiệp sản xuất phim truyền hình, Chính phủ Malaysia đã quyết định nâng mức đầu tư từ 1,6% GDP năm 2010 lên 6,5% GDP năm 2020. Nhờ “gói” đầu tư này cộng với nỗ lực của các nghệ sĩ, phim truyền hình Malaysia đã có bước phát triển vượt bậc. Phim do Malaysia sản xuất đã bán được cho nhiều đài truyền hình nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Indonesia…

Bộ phim Người phán xử được đặt nhiều hy vọng có thể xuất khẩu sang các nước trong khu vực châu Á. Ảnh: VFC
Bộ phim "Người phán xử" được đặt nhiều hy vọng có thể xuất khẩu sang các nước trong khu vực châu Á. Ảnh: VFC

Nhờ định hướng tốt, những năm gần đây phim hoạt hình của Malaysia đã có mặt ở 64 nước trên thế giới. Nhiều bộ phim Malaysia đã bán được trên thế giới và tiêu biểu có phim bán ra được tới 125 nước.

Tương tự, bà Janine Stein - Tổng Biên tập tạp chí ContentAsia (Singapore) cũng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng phim truyền hình cần phải có sự hỗ trợ, định hướng của nhà nước về số lượng và chất lượng phim. Ngoài ra để phát triển phim truyền hình cần nhiều cơ sở sản xuất phim tốt với chất lượng công nghệ cao.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh đại diện BHD, đơn vị từng đưa khá nhiều phim ra nước ngoài chia sẻ, dù thị trưởng sản xuất phim Việt đang có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng lạc hậu hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Trong khi trên thế giới, các nước đã tiến hành thu tiếng đồng bộ từ lâu thì Việt Nam vẫn đang phải tiến hành lồng tiếng. Ngoài ra, đề tài phim truyền hình Việt vẫn còn rất xa lạ với đời sống thực tế khiến cho việc xuất khẩu phim gặp nhiều trở ngại.

Thực tế, không phải chỉ có phim truyền hình mà phim điện ảnh Việt cũng rất trầy trật để có thể xuất khẩu được ra nước ngoài. Những bộ phim từng được bán cho một số đơn vị nước ngoài như: Sống trong sợ hãi, Chuyện của Pao, Cánh đồng bất tận… do kỹ thuật chưa đạt chuẩn nên chủ yếu bán cho các đài truyền hình địa phương chứ không phải là phát hành ở rạp. Bản thân Đài SBS của Úc mua khá nhiều phim điện ảnh Việt nhưng cũng chỉ chọn những phim đã đoạt giải chứ không phải dòng phim thương mại.

Ông Nguyễn Minh Phương, đại diện cho đơn vị thường thương lượng bản quyền với nhiều hãng phim Việt Nam để đưa phim Việt ra nước ngoài cũng cho biết, so với phim tập của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… thì phim tập Việt Nam được bán với giá khá cao. Thấp nhất là 300 USD, thậm chí có nơi đưa giá trên 1.000 USD/tập, trong khi khả năng của các nhà phát hành ở nước ngoài không thể trả cao hơn 200 USD/tập. Bên cạnh đó, một số hãng phim chỉ cho phát hành DVD tại nước ngoài sau khi đài truyền hình chiếu hết bộ phim. Một phim dài hàng chục, hàng trăm tập mà đợi phát sóng hết tại Việt Nam mới được phát hành tại nước ngoài thì rất khó để kinh doanh được. Và mặc dù phim do các hãng tư nhân sản xuất nhưng khi phát sóng trên các đài truyền hình thì bản quyền thuộc về các đài truyền hình nên việc mua bán càng thêm phức tạp.

Có thể nói, con đường đưa phim truyền hình Việt ra nước ngoài vẫn đang đầy rẫy những ghập ghềnh, trúc trắc… Và một chiến lược rõ ràng cho việc đưa phim truyền hình Việt xuất khẩu vẫn đang mù mờ như một “giấc mộng” vô hình.

Hà Tùng Long