1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Xuân mới trên quê hương Nguyễn Du

(Dân trí) - Trong dòng chảy văn học Việt Nam có một Đại thi hào không những làm rạng danh cho cả dòng họ, quê hương, đất nước mà còn khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ tài năng của ông, đó là Danh nhân văn hóa thế giới - Nguyễn Du.

Vùng đất Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vốn nổi tiếng với những dòng họ khoa bảng nổi danh trong lịch sử Việt Nam. Đúng như câu “Địa linh nhân kiệt”, phong cảnh làng quê nằm dưới chân 99 ngọn núi Hồng quả là rất đẹp. Làng (nay được gọi là xã) Tiên Điền, quê hương cụ Nguyễn Du nằm ngay giữa Trung tâm huyện. Phía Tây làng là sông Lam chảy ra Cửa Hội, Nghệ An.

Nghi Xuân cũng như Tiên Điền quê Cụ giờ đã khác, những công trình xây dựng mọc lên, con đường phía trước Khu di tích được hình thành trở nên hoành tráng. Ngay từ lối vào, một cổng chào với dòng chữ “Quê hương Đại thi hào Nguyễn Du” đập vào mắt du khách như một chỉ dẫn họ đã đặt chân lên vùng địa linh nhân kiệt, quê hương của tác giả Truyện Kiều nổi tiếng năm Châu.

Đặt chân đến Tiền Điền, quá ngỡ ngàng với cảnh sắc nơi đây, phía trước Khu di tích là hàng cây cổ thụ trồng bằng cây xà cừ bao quanh khu di tích. Vì phía Đông làng Tiên Điền giáp với các làng nằm bên bờ biển Nam Hải nên Tiên Điền cũng được coi là làng duyên hải.

Đường vào quê hương Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới.
Đường vào quê hương Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới.

Những đồi cát dài nhờ gió thổi, sóng dồn cứ nhấp nhô cao thấp tạo thành cồn. Buổi chiều, cảnh ánh tà dương nhuộm thắm những cồn cát trông thật đẹp. Phong cảnh này được cho là nguồn cảm hứng cho câu thơ “Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia” đã được Nguyễn Du đã mô tả trong Truyện Kiều. Đường vào làng Tiên Điền hiện nay đã được trải nhựa.

Bên đường, xen kẽ với những nếp nhà mới xây tươi màu là nhiều di tích, nhà thờ hay bia mộ đã bạc màu của những bậc danh nhân, quan cách xưa. Một cụ già trong làng cho biết trước đây hai bên đường làng dày đặc bia đá cổ, nay đã bị thất lạc hoặc hư hại nhiều. Khu di tích Nguyễn Du là quần thể các di tích dòng họ trải dài trên địa bàn toàn xã.

Trong hơn 400 năm sống ở làng, dòng họ Nguyễn đã xây dựng một số đền chùa, văn bia, cầu cống, đình… nhưng đến nay, đa số đã trở thành phế tích. Nhờ sự quan tâm của các cấp, tháng 12/2012 địa danh này đã được đón nhận “Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du”. Và cũng từ đó nhiều Hội thảo khoa học về Truyện Kiều cũng như tác giả của tác phẩm này được tổ chức.

Ông Lê Văn Hòa - nhà gần Khu di tích tự hào: “Trong năm, một là ngày sinh của Cụ (cụ Nguyễn Duy-PV), hai là gần Tết du khách về với Cụ rất nhiều. Những vần thơ của Nguyễn Du người dân như chúng tôi đây đều thuộc hết, trẻ lớn lên, người làm ăn xa ai cũng tự hào khi là người con của làng Tiên Điền, vùng đất Nghi Xuân văn vật”.

Khu di tích Nguyễn Du - nơi lưu giữ hàng trăm kỷ vật về Đại thi hào cũng như các tác phẩm nổi tiếng, trong đó có Truyện Kiều.
Khu di tích Nguyễn Du - nơi lưu giữ hàng trăm kỷ vật về Đại thi hào cũng như các tác phẩm nổi tiếng, trong đó có Truyện Kiều.

Sự vĩ đại của Nguyễn Du với tác phẩm “Truyện Kiều” đã làm cho cả lớp hậu duệ thời đại “công nghiệp hoá” vẫn còn nặng nợ với ông. Họ đóng góp vào Khu lưu niệm Nguyễn Du nhiều kỷ vật. Nằm chính giữa phòng trưng bày truyền thống được đặt trang trọng trong lồng kính bản “Truyện Kiều” bằng Thư pháp nặng 75kg, rộng 1,2m, dài 1,6m. Người dành thời gian ròng rã suốt 6 tháng trời để tạo dựng lại thi phẩm đó là thầy giáo Nguyệt Đình từ cố đô Huế gửi tặng.

Thầy Đình khi làm xong cuốn sách tâm sự với bạn bè rằng: “Cả nhà tôi ba đời đều mê Kiều. Vì lẽ đó ý tưởng làm thư pháp “Truyện Kiều” tôi đã nung nấu từ lâu”. Cuốn sách này không chỉ ngưỡng vọng vĩ nhân, nó còn có tác dụng giáo dục con cháu.

Người dân huyện Nghi Xuân giờ đây, khi ra xã hội họ cũng lấy lịch sử truyền thống và sự nổi tiếng của quê hương để giới thiệu và tự hào. Anh Liêm - du học sinh tại Nhật - quê Nghi Xuân là một ví dụ. Hơn 4 năm học và làm việc tại Nhật bản, khi giới thiệu với bạn bè năm châu, câu đầu tiên khi nào anh cũng diễn giải rằng: “Tớ là quê hương của tác giả Truyện Kiều”.

Anh bảo: “Tự hào lắm, khi mình bảo quê huyện Nghi Xuân, nơi tác giả của Truyện Kiều được sinh ra, ai cũng trố mắt tỏ vẻ ngạc nhiên. Có nhiều người bạn họ chỉ mới đọc Truyền Kiều được dịch ra thứ tiếng nước họ nhưng chưa được ghé thăm quê hương Cụ nên khi nghe mình nói vậy, họ xúm lấy để coi hậu sinh của Cụ như thế nào”.

Riêng ông Nguyễn Ban (77 tuổi) - hậu sinh đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn tại Tiên Điền là người tự hào tất thảy: “Họ Nguyễn Tiên Điền vốn là dòng họ trâm anh thế kiệt từ khi còn ở Thanh Oai - Hà Đông. Sau khi đất nước loạn lạc, dòng họ bị phân tán. Lúc ấy, cụ Nam Chương Công Nguyễn Nhiệm từ Thanh Oai vào lập nghiệp và dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền có từ đó. Cụ Nguyễn Du là đời thứ 7 tính từ thời cụ Nguyễn Nhiệm và bản thân tôi đây cũng đã là đời thứ 12 con cháu của Cụ".

“Khi cụ Nguyễn Du sáng tác thành công tác phẩm Truyện Kiều được thế giới biết đến, con cháu các đời sau rất tự hào vì thấy được giá trị văn chương của Cụ. Không những thế đó là ánh đuốc soi đường cho con cháu noi theo, bởi dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền đã sinh ra một người con không chỉ trong nước biết đến mà là một con người của thế giớ; một danh nhân văn hóa của nhân loại…”, ông Nguyễn Ban không giấu nổi sự tự hào về dòng họ cũng như bậc tiền bối là Đại thi hào Nguyễn Du chia sẻ thêm.

Ngày xưa, Nguyễn Du đã từng hỏi: “Ba trăm năm nữa ta đâu biết/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như?”. Đến hôm nay thì khẳng định rằng, không cần đến 300 năm mà mấy chục năm nay con cháu Lạc Hồng đất Việt đã khóc Tố Như rồi như một sự cảm ơn về một vĩ nhân đã làm hàng triệu trái tim khắp hành tinh ngưỡng vọng. Sự ngưỡng mộ ấy không chỉ lời nói mà bằng hành động cụ thể.

Nếu ai đã từng đến Khu bảo tàng tại Khu di tích này có thể ngắm nhìn một bộ thi pháp dài độc nhất vô nhị với chiều dài 325,4m, tương ứng với tỉ lệ 3254 câu Kiều, mỗi câu thơ tương ứng 10cm giấy. Đây là bức thi pháp do Trịnh Tuấn (quê ở xã Thượng Tín, Thọ Xuân, Thanh Hoá) là tác giả.

Theo những cán bộ tại đây cho biết, anh Tuấn cùng 4 người bạn thân sau 13 tháng miệt mài dồn sức dồn tâm, dồn trí đã cho ra đời giải thư pháp Việt ngữ kỷ lục này. Điều làm người ta xúc động chính là việc để có bức thư pháp kỷ lục này, tác giả đã làm đủ mọi nghề như bán báo, lượm ve chai, phu hồ, khuân vác... để có tiền học viết thư pháp ở Sài Gòn và hoàn thành sản phẩm nói trên.

Một góc Tiền Điền ngày nay.
Một góc Tiền Điền ngày nay.

Lãnh đạo Khu di tích Nguyễn Du cho biết, hàng năm có đến 20 vạn lượt người về Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du. Khi Tết đến xuân về, Khu di tích Nguyễn Du được chăng đèn, kết hoa, treo đèn lồng, cờ thần rực rỡ, đồng thời trưng bày hiện vật, thư tịch cổ, bố trí người trực để đón tiếp du khách đến tham quan. Đặc biệt, trong đêm 30 Tết, tiếng chiêng trống liên hồi từ các di tích Văn hóa, nhà thờ dòng họ, tiếng chuông chùa ngân lên từng hồi báo hiệu giao thừa.

Khu di tích lung linh trong lòng người dân xa xứ lâu ngày về lại quê hương, trong mắt họ đó là một niềm vui, niềm tự hào khôn tả. Trước đây, ở xã Tiên Điền có tổ chức biểu diễn trò Kiều, hát phường nón, ví dặm. Ngày nay thì giao lưu bóng chuyền, tổ chức các trò chơi dân gian như đi cầu chiền chiện đập mặt nạ, đi cà kheo. Các xã Xuân Mỹ, Xuân Thành thì tổ chức lễ dẫn hoa cúng Phật và diễn trò “sĩ, nông, công, thương, ngư binh” hoặc “ngư, tiều, canh, mục”.

Xã Xuân Giang tổ chức hát tuồng, hát bội diễn tích Trần Bình Trọng, Thoát Hoan và ca hát các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. Xã Xuân Liên tổ chức diễn xướng chèo Kiều, hát các làn điệu ví dặm dân ca chào quê hương, đất nước. Đặc biệt, xã Tiên Điền tổ chức mừng thọ, rước thơ.

Đây là tập quán cổ truyền, đặc sắc của nhân dân Tiên Điền từ bao đời nay. Sau khi các thôn lễ Phật xong, toàn xã họp mặt ở đình Tiên Điền, ngâm thơ, mừng thọ chung vui với các cụ được dân làng mừng thọ. Có một năm, trong lễ mừng thọ, thi sĩ Nguyễn Hành, cháu gọi Đại thi hào Nguyễn Du bằng chú ruột làm một bài thơ mừng thọ ông Chánh xã có câu rằng:

“Tự nhiên tục lệ lâu đời

Nét riêng, riêng một bầu trời Trường Ninh”.

Duy Điền