Xử phạt đoàn phim tô trát, làm mới giếng cổ để đóng hài Tết
(Dân trí) - Đại diện đoàn phim "Chuyện làng Bồm" bị xử phạt 2 triệu đồng vì đã có hành vi viết vẽ, làm bẩn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Lãnh đạo UBND xã Đường Lâm (Hà Nội) vừa có quyết định xử phạt đối với đoàn làm phim "Chuyện làng Bồm" vì tự ý dùng vôi ve, tô vẽ vào giếng cổ ở đình làng Mông Phụ.
Cụ thể, đại diện đoàn phim là ông Trương Đức Thắng (họa sỹ) bị xử phạt 2 triệu đồng và phải có trách nhiệm khôi phục, trả lại hiện trạng ban đầu cho giếng cổ. Mức xử phạt này được căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 38/2021/ND-CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Đoàn phim đã có hành vi vi phạm hành chính: Viết vẽ, làm bẩn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Trước đó, ngày 7/11 giếng cổ đình Mông Phụ (làng Đường Lâm, Hà Nội) bị đoàn làm phim hài Tết "Chuyện làng Bồm" tô vẽ, làm mới để tạo bối cảnh đóng phim gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận.
Các thành viên trong đoàn phim đã dùng vôi ve màu đỏ trộn với keo sữa phủ lên bề mặt giếng, dùng bút vẽ màu đen phủ trát để tạo hình viên đá ong. Tiếp đó, vảy sơn màu xanh làm giả rêu phong.
Ngày 9/11, dù giếng cổ đã được đoàn phim cọ rửa lớp vôi ve bên ngoài, tuy nhiên không được như ban đầu.
Bề mặt bên ngoài giếng được đánh nhẵn bóng, mặt trong vẫn còn lưu lại lớp vôi đỏ thay vì màu rêu phong. Đó là chưa kể, việc đánh rửa khiến giếng cổ trông lem nhem.
Được biết, đình Mông Phụ được xây dựng vào năm 1533 trên một khu đất trung tâm và cao nhất của làng. Về sau, đình được tôn tạo, tu sửa vài lần nhưng vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc ở đầu thế kỷ 19. Đình Mông Phụ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1984.
Giếng đình Mông Phụ (nằm bên mé phải của đình Mông Phụ) là giếng lớn nhất, được ví như "mắt Rồng", là điểm tham quan nổi tiếng ở Đường Lâm.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, giếng Mông Phụ cũng như nhiều giếng cổ nằm rải rác trong làng Đường Lâm đều được bà con cẩn thận giữ gìn, bảo tồn qua nhiều thế hệ.