Xử lý vi phạm nghệ thuật biểu diễn: Không “đánh trống bỏ dùi”

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn khẳng định Bộ sẽ quyết liệt xử lý các vi phạm trong hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, sẽ không “đánh trống bỏ dùi”.

Phát biểu của ông Hồ Anh Tuấn được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 65/CT- BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về chấn chỉnh các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang diễn ra sáng 19/10 tại Hà Nội.
 
Chỉ thị 65/CT- BVHTTDL được ban hành hồi tháng 4/2012 trong bối cảnh những bất cập và sai phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang như nghệ sĩ, người mẫu sử dụng trang phục, hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc; hát nhép... gây nhiều bức xúc trong dư luận.
 
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Nhắc lại một số ý kiến băn khoăn việc chấn chỉnh có thể chỉ “hoành tráng” ban đầu, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định, Bộ VHTTDL sẽ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 65 và không “đánh trống bỏ dùi”.

Tại Hội nghị, các ý kiến đại biểu đánh giá sau 6 tháng triển khai thực hiện, các cơ quan quản lý cấp chính quyền đã quyết liệt hơn trong cấp phép, thanh tra xử lý vi phạm, bước đầu đã hạn chế các vụ vi phạm nổi cộm, được dư luận xã hội đồng tình cao, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm.

Một số ví dụ là Sở VHTTDL TP Hồ Chí  Minh xử phạt ca sĩ Cao Thái Sơn hát nhép trong chương trình “Quà tặng tình yêu số 6”, phát sóng trực tiếp trên kênh VTV9; Sở VHTTDL TP Hải Phòng xử phạt đơn vị tổ chức chương trình “Vũ điệu đường cong” vi phạm đã treo pano, băng rôn quảng cáo có nội dung không phù hợp; Sở VHTTDL Hà Nội xử phạt Công ty Hiệp hội ca sĩ Việt Nam về việc treo băng rôn quảng cáo và biểu diễn không đúng nội dung đã được cấp phép...

Tùy vào điều kiện, nhiều địa phương đã không cho phép tiếp tục tổ chức biểu diễn đối với các đơn vị có sai phạm.

Nghị định 79 được kỳ vọng

Tổng số các đơn vị hoạt động biểu diễn trên cả nước là 384, bao gồm cả đơn vị nhà nước và các đơn vị tư nhân hoạt động kinh doanh biểu diễn theo Luật Doanh nghiệp.

Các ý kiến tại Hội nghị cũng đánh giá cao Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, mới được ban hành ngày 5/10/2012.

Với 5 chương, 31 điều, đây là văn bản có tính pháp lý cao nhất của ngành nghệ thuật biểu diễn, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các tổ chức, cá nhân tuân thủ và thực hiện, góp phần đưa hoạt động nghệ thuật nói chung đi vào nề nếp, theo đúng định hướng của Đảng và nhà nước.

Ông Hữu Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Biểu diễn TP Hồ Chí Minh kỳ vọng Nghị định 79/2012/NĐ-CP sẽ giải quyết được tận gốc các vấn đề bất cập trong trình diễn thời trang, biểu diễn nghệ thuật.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 79/2012/NĐ-CP. Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho các đơn vị quản lý văn hóa các cấp, thanh tra, diễn viên, người tổ chức biểu diễn, các nhà hát, các đoàn nghệ thuật, các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật cuối năm 2012 .

Theo ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ VHTTDL, Vụ sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa để có chế tài mạnh, đủ sức răn đe các tổ chức cá nhân vi phạm. Dự kiến, việc tước giấy phép sẽ không còn là hình phạt bổ sung như trước đây nữa mà sẽ trở thành hình thức xử phạt chính đối với các vi phạm trong hoạt động biểu diễn.

Theo Việt Hà
Chinhphu.vn