Xử lý vi phạm bản quyền còn mang tính chất tình thế, nhỏ lẻ

Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan cho rằng, việc xử lý vi phạm bản quyền tại VN còn nhỏ lẻ, tình thế.

Xử lý vi phạm bản quyền còn mang tính chất tình thế, nhỏ lẻ

Tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật là điều kiện cần để thực thi quyền tác giả, quyền liên quan

Sáng nay (20/11), Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) tổ chức hội nghị tập huấn các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị khẳng định: bên cạnh việc tham gia các công ước, hiệp định kinh tế, thương mại thì hệ thống văn bản pháp luật của nước ta đã cơ bản hoàn thiện, tạo ra khung pháp lý cho việc thực thi quyền tác giả và quyền liên quan. Tuy nhiên, trong thực tế còn nhiều bất cập, dẫn đến các vụ vi phạm bản quyền ở hầu hết các lĩnh vực: xuất bản, báo chí, âm nhạc, văn học nghệ thuật, chương trình máy tính…

Gần đây, trong lĩnh vực xuất bản, nhiều sách dạy và học tiếng Anh được sao chụp dưới dáng sách in lại, dịch và photo bất hợp pháp; nhiều tác phẩm nhiếp ảnh và hội họa, văn học bị sao chép lộ liễu; các chương trình truyền hình bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng trên các trang web trực tuyến… Đáng lưu ý là những vi phạm trên mạng Internet hiện nay chưa thể kiểm soát được. Việc xử lý vi phạm vì thế chỉ mang tính chất tình thế, nhỏ lẻ.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, bà Trần Thị Trường - Phó giám đốc khu vực phía Bắc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nói: “Các văn bản pháp luật của nhà nước quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đều rất đầy đủ, cập nhật với tình hình thế giới nhưng đưa vào thực tế quả là không dễ dàng, ngay đối với những cơ quan quản lý chứ chưa nói đến xã hội. Có nhiều người không biết luật đọc như thế này nhưng thi hành như thế nào. Những người sử dụng sản phẩm liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan thì họ rất hiểu. Nhưng họ càng hiểu bao nhiêu thì lại càng ý thức được mình phải trả tiền bản quyền. Mà trả tiền bản quyền thì chẳng ai muốn, trong khi các nhà quản lý không hiểu thì họ lách”.

Vì vậy, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đưa các văn bản pháp luật vào cuộc sống, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần gương mẫu thực hiện nghĩa vụ pháp luật khi sử dụng sản phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng./.

Theo Phương Thúy

VOV.vn