Xin làm hồ sơ Di sản văn hóa nhân loại cho Chầu văn và kéo co
Bộ VHTTDL chính thức xin phép Thủ tướng Chính phủ để làm các thủ tục cần thiết đối với 2 di sản là Chầu văn và Kéo co.
Hình ảnh lễ hội kéo co làng Hữu Chấp (Hòa Long, Bắc Ninh).
Theo đó, Bộ đã có công văn gửi Thủ tướng cho phép làm các thủ tục cần thiết đối với 2 di sản văn hóa quan trọng của Việt Nam, đó là “Nghi lễ và trò chơi kéo co” có tên gọi cũ là "Kéo co truyền thống" và "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" có tên gọi cũ là "Nghi lễ chầu văn của người Việt".
Trong quá trình xây dựng hồ hơ "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt", Ban Chỉ đạo thấy rằng tên gọi “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” như trong danh sách dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO không phản ánh được hết đặc trưng, giá trị của di sản. Trên cơ sở ý kiến tư vấn của các thành viên Hội đồng, Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đổi tên hồ sơ thành “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” để thể hiện chính xác nội dung, đầy đủ giá trị của hiện tượng văn hóa này, đáp ứng các tiêu chí của UNESCO đối.
Một giá đồng tại LH Nghi lễ chầu văn Hà Nội, ngày 4/10/2013
Với hồ sơ “Kéo co truyền thống”, sẽ có 4 nước tham gia đệ trình Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia và Philippines. Sau các cuộc họp chuyên gia của 4 nước tham gia, tên hồ sơ được khuyến nghị đổi thành “Nghi lễ và trò chơi kéo co” để phản ánh được rõ nét hơn tính truyền thống, đồng thời phù hợp với đặc thù của loại hình di sản này ở mỗi nước tham gia.
Hồ sơ "Nghi lễ và trò chơi kéo co" sẽ được gửi tới Hàn Quốc trước ngày 27/3 để tổng hợp, xây dựng hồ sơ đa quốc gia. Còn với hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" sẽ được gửi tới UNESCO trước ngày 31/3.
Theo Thể thao Văn hóa