Xiết chặt luật bản quyền với tác phẩm điện ảnh

(Dân trí)- Nghị định 131/2013/NĐ-CP đã bắt đầu được thực thi với những quy định xiết chặt về quyền và bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực phim điện ảnh và phim truyền hình trên các phương tiện truyền thông.

Buổi tọa đàm xung quanh nghị định 131 của chính phủ về quyền vào bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực Điện ảnh, Truyền hình vừa được Hội Điện ảnh kết hợp với các công ty phát hành phim đứng ra tổ chức.

Lâu nay, những câu chuyện kiện cáo xung quanh các tác phẩm điện ảnh đã diễn ra khá thường xuyên. Không ít những vụ ầm ĩ đã diễn ra giữa các tác giả kịch bản với đạo diễn, giữa nhà sản xuất và đạo diễn. Phim điện ảnh và phim truyền hình vốn mang đặc thù rất riêng. Khác với văn học, mỹ thuật, âm nhạc và các lĩnh vực nghệ thuật khác, tác phẩm điện ảnh là tác phẩm tập thể với rất nhiều thành phần cùng tham gia sản xuất. Một bộ phim khi ra đời là tác phẩm nghệ thuật của đạo diễn, biên kịch, quay phim, ánh sáng, âm nhạc, diễn viên… Bởi thế, những chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” trong nội bộ một đoàn làm phim diễn ra đã thành… cơm bữa.
 
Xiết chặt luật bản quyền với tác phẩm điện ảnh
Với đặc thù riêng, mỗi bộ phim là một tác phẩm tập thể. Vì thế, những tranh cãi về bản quyền vẫn thường xuyên xảy ra (ảnh minh họa)

Chia sẻ tại buổi tọa đàm quanh nội dung của nghị định 131 vừa có hiệu lực về quyền và bảo vệ quyền tác giả đối với phim Điện ảnh và phim Truyền hình, ông Đặng Xuân Hải- chủ tịch Hội Điện ảnh VN cho biết “Trên cơ sở nghị định 131, chúng tôi sẽ tìm ra một mô hình tối ưu để bảo vệ quyền tác giả hiệu quả nhất. Với đặc thù rất riêng, một bộ phim có thể được sản xuất bởi tư nhân, hoặc do nhà nước đầu tư, mỗi nhà sản xuất khác nhau lại có những quyền khác nhau với tác phẩm, cũng như trách nhiệm với quyền tác giả. Mối quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà phát hành, với tác giả tác phẩm trong một bộ phim xưa nay khá phức tạp. Vì thế, chúng tôi đã kết hợp với một số đơn vị phát hành, sản xuất phim để cùng tìm một hướng đi hiệu quả từ đó có thể lập một trung tâm bảo vệ quyền tác giả với phim điện ảnh và phim truyền hình”.

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Kim Oanh- Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã có những phân tích kỹ lưỡng về những vấn đề liên quan đến quyền và bảo vệ quyền tác giả. Theo đó, Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ bổ sung năm 2009 đã quy định rõ về quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân (quyền đặt tên, quyền đứng tên, quyền bảo vệ toàn vẹn tác phẩm, quyền công bố tác phẩm…) và quyền tài sản (gồm quyền sao chép, quyền biểu diễn, phân phối, nhập khấu…). Với những đặc thù của phim điện ảnh, phim truyền hình, quyền nhân thân sẽ thuộc về những người tham gia sáng tạo tác phẩm (như đạo diễn, biên kịch, âm nhạc, kỹ xảo…) và quyền tài sản sẽ thuộc về nhà sản xuất (người đầu tư) cho tác phẩm.
 
Các trang phim xuất hiện như nấm mọc sau mưa cũng là một đe dọa với vấn đề bản quyền
Các trang phim xuất hiện như "nấm mọc sau mưa" cũng là một đe dọa với vấn đề bản quyền

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Luật Sở hữu Trí tuệ và nghị định 131 đã có những quy định rất rõ ràng về quyền và bảo vệ quyền tác giả. Các tác giả, tác phẩm khi bị vi phạm bản quyền có thể khởi kiện ra tòa án, hoặc có thể đi theo con đường hành chính (gửi đơn đến Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch).

Đã có những mức phạt rất cụ thể được ghi rõ, từ đó, với mỗi hành vi vi phạm bản quyền tác giả sẽ “áp” khung hình phạt rõ ràng. Mức phạt có thể lên đến 250 triệu đồng cho hành vi vi phạm.

Giữa bối cảnh đời sống sản xuất phim ở Việt Nam còn nhiều bất cập, nhiều nghiệp dư, nhiều tồn đọng như hiện nay, theo bà Phạm Thị Kim Oanh, để tránh những kiện cáo về bản quyền, các tác giả hãy chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ quyền của chính mình.

H.H