Xét NSND, NSƯT cho nhiếp ảnh gia, soạn giả, kiến trúc sư: Không phù hợp?

Phương Bảo

(Dân trí) - Trước đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhiếp ảnh gia, soạn giả, kiến trúc sư, phía Hội kiến trúc sư Việt Nam cho biết, việc xét tặng này không cần thiết.

"Khi làm luật phải có sự công bằng"

Mới đây, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam vừa góp ý với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị ngoài những đối tượng đang được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo quy định, cần bổ sung thêm các đối tượng: Nhà nhiếp gia, soạn giả, kiến trúc sư.

Theo đó, những góp ý này liên quan đến việc xây dựng dự thảo nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" (sửa đổi).

Điểm mới nhất của dự thảo lần này là đối tượng xét tặng danh hiệu được bổ sung "người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" bên cạnh "nghệ sĩ biểu diễn".

Xét NSND, NSƯT cho nhiếp ảnh gia, soạn giả, kiến trúc sư: Không phù hợp? - 1

Bà Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (Ảnh: Quochoi.vn).

Chia sẻ với PV Dân trí, bà Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho hay, vào tháng 6/2022, khi góp ý trước Quốc Hội về Luật Thi đua khen thưởng, bà đã đề xuất bổ sung danh sách xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhà nhiếp ảnh, kiến trúc, soạn giả sân khấu và tác giả văn học (nhà văn).

Khi đó, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết, Hội đồng tình với đề xuất mở rộng đối tượng được trao danh hiệu. Tuy nhiên, nhà văn không phải là nghệ sĩ nên Hội Nhà văn đề xuất không xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nhà văn.

Vì vậy khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi công văn đề nghị Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao đổi về dự thảo nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" (sửa đổi), bà Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất mở rộng xét tặng danh hiệu cho ba đối tượng: Nhiếp ảnh gia, soạn giả, kiến trúc sư.

"Hiện tại có 9 chuyên ngành nghệ thuật thì có 6 chuyên ngành được xét tặng NSND, NSƯT nên khi làm luật, phải có sự công bằng. Nếu ai không thích thì không làm hồ sơ. Bên cạnh đó, việc xét duyệt danh hiệu cũng có Hội đồng xét duyệt nhiều cấp nên không sợ chuyện tiêu cực", bà Thu Đông nói.

Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết thêm, khi được hỏi ý kiến về lĩnh vực của mình, bà đã xin ý kiến Ban chấp hành Hội và đề xuất: Đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT phải là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, có ít nhất 7 năm làm việc liên tục trong lĩnh vực này. Đối tượng xét tặng với các thành phần như: Nghệ sĩ sáng tác, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh.

Theo bà Thu Đông, đa số anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh phấn khởi khi biết được đề xuất này, vì ít nhất họ đã được đối xử công bằng. Nếu được tặng danh hiệu là họ được ghi nhận xứng đáng sau một quá trình làm việc miệt mài.

Việc xét danh hiệu NSND, NSƯT với kiến trúc sư là không phù hợp

Trao đổi với PV Dân trí về việc mở rộng đối tượng xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT, soạn giả Mai Văn Lạng - Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam cho hay, anh cảm ơn đề xuất này nhưng vẫn băn khoăn về tiêu chí cụ thể để xét duyệt danh hiệu với soạn giả.

"Từ trước đến nay, việc xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT với nghệ sĩ phải đủ huy chương, đủ năm cống hiến và làm hồ sơ mới được duyệt theo nhiều cấp. Nhiều soạn giả không tham gia liên hoan, hội diễn nhưng vẫn được khán giả khắp nơi yêu mến thì sao? Như soạn giả cải lương nổi tiếng Viễn Châu, ông chỉ được giải về đàn và hát chứ chưa được giải thưởng về viết lời bài hát thì việc xét duyệt danh hiệu cho soạn giả còn khá mông lung. Nếu đề xuất được duyệt phải xem tiêu chí ra sao, cụ thể hồ sơ cần những gì", Soạn giả Mai Văn Lạng cho biết.

Soạn giả sinh năm 1973 này cho hay, điều anh sợ nhất trong việc xét duyệt này là nhiều người có danh hiệu nhưng "nhân dân không biết mặt, biết tên và bạn nghề không phục", bởi nhiều người chỉ chăm chăm đi hội diễn, liên hoan để kiếm huy chương thì thế nào? Điều này sẽ tạo sự ganh đua không đáng có. Vì thế, cần có những quy định cụ thể, áp dụng riêng cho các soạn giả thì hợp lý hơn.

Nói về việc xét duyệt này, ông Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam thẳng thắn, kiến trúc sư không phải là ngành biểu diễn nên việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là không phù hợp.

"Chúng tôi hoàn thành được việc của một kiến trúc sư rất khó khăn, công việc của chúng tôi liên quan đến hạ tầng cơ sở, muốn có tác phẩm chúng tôi phải có chủ đầu tư. Sáng tạo của người kiến trúc sư gắn với nền kinh tế của đất nước, doanh nghiệp, nhân dân. Danh xưng kiến trúc sư là rất cao quý rồi nên không cần thêm một danh xưng nào khác", Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam bộc bạch.

Ông Phạm Thanh Tùng nói thêm, kiến trúc là tấm gương phản ánh thời đại, là ngành nghệ thuật đặc biệt bao gồm cả khoa học kỹ thuật. Sáng tạo của họ khác nhà văn vì nó liên quan đến nền kinh tế đất nước.

Hơn nữa, các kiến trúc sư đã có giải thưởng Kiến trúc quốc gia, cao hơn là giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh tôn vinh nên việc xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT là chưa hợp lý.