Xây dựng bản đồ số về di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tới sẽ tiến hành số hóa các di sản văn hóa và chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Sáng 26/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tổ chức "Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch". Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước với sự tham gia của hơn 120 đại biểu, lãnh đạo các cơ quan quản lý trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.

Xây dựng bản đồ số về di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam - 1

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo (Ảnh: Ban Tổ chức).

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương khẳng định rằng, chuyển đổi số được xác định là một trong 3 giải pháp đột phá chiến lược nhằm xây dựng một Việt Nam hùng cường thịnh vượng để đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Chuyển đổi số là một chủ trương cũng như yêu cầu cấp thiết trên mọi phương diện. Không đứng ngoài xu thế đó, việc chuyển đổi số quốc gia tại Bộ VH-TT&DL đạt được nhiều kết quả tích cực.

Những thành công bước đầu trong chuyển đổi số đã tác động rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành, nhất là trong thời gian ảnh hưởng nặng nề vì Covid - 19. Có thể kể đến việc hàng ngàn lượt khách tham quan ngồi tại nhà giãn cách xã hội nhưng vẫn xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là "đi" du lịch tham quan Kinh thành Huế chỉ bằng các cú nhấp chuột.

Xây dựng bản đồ số về di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam - 2

Công nghệ số giúp người dân có thể "tham quan" cố đô Huế tại nhà (Ảnh: Nhật Anh).

Người dân vẫn có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn trực tuyến, hoặc được hướng dẫn các bài tập thể dục trực tuyến tại gia đình đơn giản, hiệu quả, dễ hiểu của ngành thể thao...

Trên cơ sở kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, các nền tảng số, hệ thống thông tin và dữ liệu số đã và đang được Bộ đầu tư, từng bước hoàn thiện môi trường làm việc số cho người lao động...

Các tham luận cũng nêu rõ hạn chế, khó khăn và bày tỏ mong muốn Bộ VH-TT&DL cùng các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số trong ngành.

Xây dựng bản đồ số về di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam - 3

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VH-TT&DL (Ảnh: Ban Tổ chức).

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết thêm, thời gian tới, bộ có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Đó là hệ thống xây dựng nền tảng số và hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ; dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành Du lịch.

Theo lãnh đạo Bộ VH-TT&DL thời gian tới sẽ tiến hành số hóa các di sản văn hóa và chuyển đổi số trong ngành du lịch. Tất cả các di sản văn hóa sẽ được xây dựng trên bình diện tổng quát đối với việc xây dựng bản đồ số về các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

"Trong chương trình du lịch của các nước trên thế giới bao giờ cũng có các điểm đến là các di sản. Nước ta có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để chúng ta dựa vào đó phát huy, đồng thời dựa vào đó để bảo tồn, duy trì", Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm