"Xài chùa" nhạc trong showbiz Việt: Biết luật nhưng cứ... làm liều?
(Dân trí) - Việc ca sĩ cover ca khúc của người khác không xin phép, lại "vô tư" mang đi biểu diễn với mục đích thương mại, đã gây nhiều tranh cãi, trở thành "vấn nạn" nhức nhối trong showbiz Việt thời gian qua.
"Tên tuổi lớn" vẫn vướng lùm xùm...
Câu chuyện bản quyền trong làng nhạc Việt không mới, nhưng dường như đến nay vẫn chưa có giải pháp triệt để. Gần đây, khi "cơn sốt cover" được khán giả trẻ yêu thích thì tình trạng ca sĩ ngang nhiên hát, biểu diễn ca khúc của người khác khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu, lại tiếp tục gây ồn ào.
Hôm 3/6, công ty ACV Entertainment gây chú ý khi tố nhiều ca sĩ, trong đó có những tên tuổi hàng đầu như Lệ Quyên, Tùng Dương, Đan Trường... sử dụng trái phép ca khúc "Ai chung tình được mãi" (sáng tác: Đông Thiên Đức) mà công ty này đang nắm bản quyền.
Tiếp đó, ngày 7/6, nhạc sĩ Nguyễn Đình Dũng lại "đăng đàn" tố ca sĩ Đan Trường tự ý mang ca khúc "Từng yêu" do anh sáng tác, đi biểu diễn suốt 2 năm qua.
Sau khi lời qua tiếng lại, phía Đan Trường đã lên tiếng xin lỗi khán giả và cho rằng sự việc xảy ra do "hiểu nhầm", hứa rút kinh nghiệm sâu sắc. Anh cũng tuyên bố sẽ gỡ bỏ 2 ca khúc "Ai chung tình được mãi" và "Từng yêu" trên YouTube, đồng thời không trình diễn trên sân khấu một lần nào nữa, dù đã đóng tiền đầy đủ cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Những vụ việc như thế này vẫn thường xuyên diễn ra trong showbiz Việt. Hồi tháng 4, Nam Em từng gây chú ý khi cover ca khúc "Mình yêu đến đây" của nhạc sĩ Kai Đinh nhưng theo nhạc sĩ này, người đẹp biểu diễn ca khúc mà không hề xin phép, không ghi tên tác giả. Đáng nói, thời điểm đó, bài hát vẫn còn trong thời hạn độc quyền ghi âm, ghi hình của ca sĩ Tóc Tiên.
Trước những chỉ trích, Nam Em đã phải lên tiếng xin lỗi, cho rằng do mình chưa có một ê-kíp chuyên nghiệp để chu toàn các hoạt động âm nhạc.
Năm 2016, Tuấn Hưng cũng từng lên tiếng chỉ trích Thu Phương sử dụng những bài hát mà anh độc quyền, để biểu diễn nhưng không xin phép. Ngay sau đó, phản hồi của Thu Phương cũng tạo nên nhiều tranh cãi khi cô cho rằng: "Biết bao nhiêu ca sĩ (kể cả nổi tiếng - ngôi sao) hát những bài hát mà lời là do tôi viết, họ không biết mà có khi cũng chẳng cần biết để nói một lời cảm ơn. Tôi cũng không băn khoăn. Tôi thấy hạnh phúc".
Năm 2021, ca sĩ Văn Mai Hương cũng trải qua quãng thời gian ồn ào khi hát bài hit của Lady Gaga với tần suất dày đặc.
Sự thiếu chuyên nghiệp đến từ hai phía?
Khi những lùm xùm xảy ra, các nghệ sĩ thường lấy lý do "khán giả yêu cầu cover" hay đẩy trách nhiệm cho đơn vị tổ chức biểu diễn. Tuy nhiên, những lý do này vẫn chưa thể làm hài lòng phía chủ sở hữu cũng như phần đông công chúng.
Như trường hợp ca sĩ Đan Trường, dù anh đã lên tiếng xin lỗi khán giả nhưng nhiều bình luận cho rằng nam ca sĩ không hề đưa ra lời xin lỗi với Đình Dũng - chủ nhân ca khúc "Từng yêu".
Nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc về việc những tên tuổi lớn nhưng cách xử lý lại thiếu sự cầu thị, chân thành, mà chỉ "đá" quả bóng trách nhiệm cho các bên khác... Điều đó càng phản ánh thực trạng thiếu chuyên nghiệp trong showbiz Việt.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, sự thiếu chuyên nghiệp này đôi khi đến từ cách làm việc của cả hai phía. Ví dụ, trong trường hợp của "Từng yêu", ông bầu Hoàng Tuấn tung ảnh chụp màn hình làm bằng chứng cho thấy phía Đan Trường đã có trao đổi với Đình Dũng cũng như Phan Duy Anh (được Đình Dũng tặng bài hát) trong việc xin phép thu âm ca khúc. Nếu như các bên có hợp đồng thỏa thuận rõ ràng với đơn vị bảo vệ bản quyền thay vì chỉ "nói miệng", thì phải chăng mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều?
Không thể đưa ra lý do "vô tình", "không biết"!
Trao đổi với PV Dân trí, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng việc thu âm hay biểu diễn lại các ca khúc cũ sẽ không gây khó khăn cho đơn vị bảo vệ bản quyền, nếu như mọi người "hiểu rõ luật, tuân theo luật".
"Mọi việc vốn rất đơn giản. Còn khó khăn là vì một trong hai bên cố tình không hiểu hoặc hiểu sai, cố tình lấn quyền bên còn lại dẫn đến tranh chấp", nhạc sĩ chia sẻ.
Nguyễn Văn Chung nói thêm, tình trạng vi phạm bản quyền, thiếu quan tâm vấn đề tác quyền, đã tồn tại khá lâu trong làng nhạc Việt. "Điều này thể hiện sự kém phát triển, thiếu ý thức tôn trọng quyền tác giả, sự "vô tư" của nghệ sĩ", anh chia sẻ.
Theo nhạc sĩ, trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của nền âm nhạc, nghệ sĩ ngày nay cần bổ sung, cập nhật kiến thức pháp lý, luật bản quyền. "Nhất là các nghệ sĩ có tên tuổi, có thâm niên, có lượng fan đông đảo thì càng phải ý thức cao hơn về việc đó. Điều này thể hiện sự chuyên nghiệp, tôn trọng tác giả và đồng nghiệp, xứng đáng với vị trí mà nghệ sĩ đó đang đứng", Nguyễn Văn Chung bày tỏ.
Ca sĩ Nathan Lee cũng cho rằng việc nhiều ca sĩ "vô tư" biểu diễn ca khúc của người khác mà không xin phép là "sự thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng chất xám của người khác và danh dự của chính ca sĩ đó".
Trao đổi với PV Dân trí, anh cho biết: "Đạo đức nghề nghiệp không phải là tự vỗ ngực xưng danh mà chính là cách hành xử trong những tình huống đơn giản nhất".
Chia sẻ về việc mạnh tay chi tiền mua bản quyền nhiều ca khúc trong thời gian gần đây, Nathan Lee nói: "Tôi nghĩ đây là sự tôn trọng tối thiểu dành cho nghệ sĩ và chất xám của họ. Nhiều anh chị suốt ngày khoe giàu có, đẳng cấp mà cư xử thật sự kém cỏi. Bạn nhận lời đứng trên sân khấu hát, kiếm tiền cho chính bản thân bạn thì đừng trách ai, hãy tự nhìn lại mình!".
Bàn về tình trạng vi phạm bản quyền trong làng nhạc Việt, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện trao đổi thêm với Dân trí: "Về nguyên tắc, khi sử dụng lại tác phẩm đã phát hành thì phải xin phép tác giả, đơn vị chủ quản, hoặc trung tâm tác quyền (nếu tác giả hay công ty chủ quản có đăng ký nhờ trung tâm bảo hộ và đóng tiền tác quyền cho trung tâm). Khi bạn dùng "chùa" là bạn đã vi phạm pháp luật".
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng VCPMC đã ra đời hơn 20 năm, luật pháp về tác quyền trong âm nhạc cũng quy định rõ ràng, nên những người vi phạm không thể đưa ra lý do "vô tình", "không biết".
"Họ biết chứ, nhưng cứ "làm đại" xem thử có ai dám kiện không. Như vậy là họ lầm rồi, vì nếu tác giả có đăng ký bảo hộ với trung tâm thì bên trung tâm sẽ đứng ra để khiếu kiện với tòa án. VCPMC có sẵn luật sư để khiếu kiện đến cùng nếu có những vi phạm xảy ra", vị nhạc sĩ nói.