Vương Tử Lâm – hội họa tối giản
(Dân trí) - Chiều tối ngày 9/11 tại Viet Art Centre, Hà Nội đã diễn ra buổi khai mạc triển lãm hội họa cá nhân của họa sĩ Vương Tử Lâm thu hút sự quan tâm của nhiều văn nghệ sĩ và giới chuyên môn cũng như những người yêu hội họa.
Họa sĩ Vương Tử Lâm sinh năm 1957 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa điêu khắc – Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội nhưng dường như quãng đường sáng tác nghệ thuật của ông lại thiên về hội họa nhiều hơn. 20 bức tranh trong triển lãm là những bức tranh sơn dầu tròn, đôi ba bức có sự xuất hiện của nghệ thuật tạo hình trong điêu khắc.
Vương Tử Lâm là người có nhiều năm theo đuổi hội họa tối giản. Ông nghiên cứu các tác phẩm của Cezanne, Mondrian và Mark Rothko để rồi nhận ra sự đóng góp của mỗi bậc thầy trong cách tư duy không gian trên mặt phẳng và trong ý niệm ở góc độ thuần lý tính, gần như gạt bỏ tính thẩm mỹ của bức hoạ. Từ đó ông phát triển một lối vẽ chú trọng vào hình thức hình học của tác phẩm, tìm đến sự liên hệ giữa bức tranh với nhận thức về các chiều không gian. Hội hoạ của ông chênh vênh giữa việc giải quyết các nhận thức lý tính và tính thẩm mỹ của bức hoạ, với khao khát đi đến tận cùng của sự tối giản, đi đến một thứ nghệ thuật chắt lọc và cô đọng nhất về hình thức và ý niệm.
Vương Tử Lâm bộc bạch: “Trong các cách nhìn giản lược về cấu trúc hình của Mondrian và Rothko, tôi nhận thấy rằng biểu đạt được một phương thẳng đứng (phương của lực hấp dẫn) mới thực sự là sự giảm thiểu cuối cùng về tư duy hình học, và hình tròn là một hình ảnh có cấu trúc không gian hiện lộ được khái niệm này. Ở kích thước nhỏ nhất nó là một hạt, lớn hơn là một điểm và hơn nữa nó sẽ là một hình tròn, là hình cơ bản nhất trong các hình và nó đồng đẳng ở mọi hướng. Theo như Kandinsky đã từng nói thì hình tròn là một hình vô hướng.
Để tận dụng các khả năng một phương (hay vô số phương) của hình tròn tôi cố gắng đưa ra một loại hội họa với các bức tranh tròn nhất quán theo một quy tắc có thể xoay vòng tùy theo ý muốn của người quan sát. Bức tranh do đó có thể được coi như một không gian nhìn từ trên cao và rộng lớn hơn những cái mà thị giác ta vẫn bắt gặp trong đời sống thường ngày.”
Còn nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận định: “Trong nghiên cứu của mình, Vương Tử Lâm đã tìm một dấu nối giữa ba họa sĩ lớn Cézanne – Mondrian – Rothko… Những chặng đường này vô hình chung đã hé mở nhiều vấn đề trong bản chất ngôn ngữ hội họa, nó cho phép người họa sĩ đi vào sự tinh tế và duy lý của một thứ hội họa thuần túy, loại hoàn toàn các yếu tố tự nhiên trong nghệ thuật. Câu chuyện này ít được chia sẻ với các họa sĩ trừu tượng Việt Nam, khi đa phần muốn dùng bút pháp biểu hiện để vẽ tranh trừu tượng, và về cảm xúc hình như ít họa sĩ chịu được một bề mặt nhẵn nhụi, chỉ có một màu. Một bức tranh như vậy, nếu thành công có thể vừa lý trí nhất vừa gây xúc động đến mức xao xuyến”.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường cũng đến tham dự buổi khai mạc triển lãm của Vương Tử Lâm. Ông cho biết ông và họa sĩ Vương Tử Lâm cũng có mối quan hệ quen biết, nhưng ông khá bất ngờ bởi triển lãm này của họa sĩ Vương Tử Lâm.
“Tôi không nghĩ là Vương Tử Lâm có một cái cốt cách đi ra ngoài những vết cũ và rất đương thời với xu hướng hội họa thế giới. Con đường của Vương Tử Lâm là nối tiếp với khuynh hướng hiện đại, nhất là của Mỹ với những Rothko, hay là xa hơn nữa với một nghệ sĩ mà tạo ra được những bước ngoặt như Mondrian. Tôi thấy đó là điều đáng mừng của một họa sĩ mà lâu nay im tiếng, âm thầm làm việc”
Triển lãm được mở cửa đến ngày 14/11.
Bình Yên