Vườn rau trái trồng trong thùng xốp xanh mướt, trĩu quả của cô giáo mầm non
(Dân trí) - Tận dụng rác sinh hoạt từ nhà bếp như rau củ quả, cơm thừa, bã cà phê, vỏ tôm, vỏ trứng, chị Tâm ủ để bón cho rau trái, đây là bí quyết khiến vườn rau trái của mẹ đảm luôn xanh mướt, sai trĩu quả.
Chị Như Tâm (35 tuổi) là giáo viên mầm non, hiện đang sinh sống và làm việc tại Quận 9, TP Thủ Đức. Năm 2016, khi xây nhà xong, mẹ đảm nhen nhóm ý định trồng rau và nuôi gà trên sân thượng tầng 3.
Tận dụng những thùng xốp bố gửi đồ ăn từ quê vào, chị Tâm bắt đầu hành trình làm "nông dân sân thượng". Chồng đi làm xa, chỉ có 3 mẹ con ở nhà nên mọi việc từ bê đất, trồng trọt đều do chị Tâm làm. Ban đầu chỉ bê đất đổ vào 10 thùng xốp, trộn đất với phân bón và ủ trước khi trồng.
"Động lực lớn nhất khiến mình quyết định trồng rau trên sân thượng là muốn 2 con được ăn những mầm rau sạch, đảm bảo sức khỏe. Sau này, mảnh vườn không chỉ là nơi cung cấp thực phẩm cho gia đình mà còn là nơi mình thư giãn sau mỗi ngày đi làm về", chị Tâm chia sẻ.
Sân thượng rộng khoảng 20m2, cô giáo mầm non chọn trồng nhiều loại cây thuộc thân leo để tiết kiệm diện tích. Trước đây, chị vừa đi làm vừa chăm con nhỏ nên thường tranh thủ làm vườn vào buổi tối hoặc đêm muộn khi con đã ngủ.
Từ khi thành phố có Chỉ thị giãn cách, chị Tâm trồng thêm các loại rau ăn lá, cây trái... không những cung cấp đủ cho gia đình mà còn gửi đến cho chị em, bạn bè và tặng cả xóm trong mùa dịch.
Mẹ đảm cho biết, khâu làm đất trước khi gieo hạt giống rất quan trọng, quyết định độ sinh trưởng và sâu bệnh của cây. Vì vậy, sau mỗi vụ thu hoạch, chị Tâm sẽ dọn sạch lá và rễ cây phơi khô làm phân bón, trộn đất với vôi bột phơi khô từ 7 - 10 ngày cho ải và diệt trứng sâu nằm trong đất.
Sau khi phơi đất, chị trộn với phân trùn quế, phân bò hoặc gà, dê, dơi, thêm xơ dừa hoặc tro trấu, phân lân, 1 ít nấm Trichoderma. Cứ 3 phần đất, 1 phần tro trấu, 1 phần phân. Sau khi trộn đều, tưới nước cho ẩm đất rồi lấy bạt phủ thùng xốp lại, khoảng 3 ngày mới đem gieo hạt hoặc trồng cây.
Chị Tâm thường tận dụng rác sinh hoạt từ nhà bếp như rau củ quả, cơm thừa, vỏ tôm, vỏ trứng chứa vào thùng, cứ dải 1 lớp đất 1 lớp rau rác để ủ bón cho cây. Gần nhà có một tiệm cà phê nên đều đặn vào cuối tuần chị được chủ quán tặng cho túi bã cà phê để bón cho cây.
Để trừ rệp, mẹ đảm thường ngâm ớt, gừng, sả, rượu để lấy nước phun phòng từ lúc cây 2 lá mầm cho tới khi thu hoạch, cứ 3 ngày phun phòng 1 lần, nên vườn rau hầu như không có sâu bệnh. Vào mùa mưa có rất nhiều ốc sên ăn lá nên tối nào 3 mẹ con cũng lên sân thượng soi đèn bắt ốc sên rất vui.
Công đoạn bón phân, chị Tâm chia làm 3 đợt: Đầu tiên là bón lót lúc trộn đất; Thứ 2 là bón thúc bằng phân dơi, cá, đậu tương, dải xa gốc rồi lấp lớp đất mỏng lên và tưới nước ẩm khi cây bắt đầu leo giàn; Thứ 3 là giai đoạn thu hoạch quả. Như vậy cây lúc nào cũng khỏe, cho nhiều trái.
Để cây cho nhiều trái thì cần tưới nước ngày 2 lần (sáng và chiều mát) nếu trời nắng to thì buổi trưa tưới đẫm cho cây. Vì trồng trong chậu, thùng xốp ít đất nên trời nắng to cây sẽ bị rũ, đặc biệt là cây cho trái phải đủ nước để nuôi trái.
Ngoài cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình, khu vườn còn là nơi chị thư giãn. Vì đam mê nên mẹ đảm dồn tâm huyết và thời gian cho khu vườn nhỏ, đi làm về mệt nhưng lên vườn ngắm cây ngắm hoa mệt mỏi đều tan biến. Trồng rau trên sân thượng vất vả hơn trồng dưới mặt đất nhưng đến lúc thu hoạch rất hạnh phúc nên khiến mẹ đảm ngày càng "nghiện" làm vườn.