NSND Trung Anh:
“Vừa tốt nghiệp được 8 ngày, chúng tôi đã lên đường bảo vệ biên giới”
(Dân trí) - 38 năm đã đi qua, những kỷ niệm đã nằm yên trong một vùng ký ức nhưng cứ đến dịp 30/4 hay 27/7, NSND Trung Anh lại không nguôi nhớ về những người đồng đội của mình.
Từng có một thời gác giấc mơ nghệ sĩ để cầm súng lên đường bảo vệ biên giới Tổ quốc. Mỗi khi nhớ lại những ngày tháng đó, cảm xúc của anh thế nào?
Năm 1982, khi chúng tôi vừa xong kỳ báo cáo tốt nghiệp lớp diễn viên sân khấu tại Nhà hát Kịch Việt Nam được 8 ngày thì lên đường nhập ngũ bảo vệ biên giới phía Đông Bắc. Nhập ngũ với tôi thời điểm đó có 3 đồng nghiệp khác là Trọng Trinh, Quốc Khánh và Đỗ Kỷ. Cả 4 chúng tôi đều học chung một lớp và sàn sàn tuổi nhau.

Bức ảnh kỷ niệm của nghệ sĩ Trung Anh, Đỗ Kỷ, Quốc Khánh, Trọng Trinh... khi lên đường bảo vệ biên giới phía Bắc.
Một phát, chúng tôi được đưa thẳng lên đơn vị ở gần Móng Cái (Quảng Ninh) luôn, không hề được huấn luyện ở dưới này. Lên đến đơn vị thì bắt tay vào huấn luyện 3 tháng liên tục.
Thời điểm chúng tôi nhập ngũ, tiếng súng đạn vẫn đì đòm ở biên giới phía Bắc. Kể cả lúc chúng tôi ra quân thì tiếng đì đòm đó vẫn còn, chỉ có phần ít hơn thôi. Thật lòng là lúc đó dù ai cũng non trẻ nhưng chúng tôi không hề biết sợ là gì, không ai nghĩ gì về sống chết. Ai cũng hừng hực khí thế mong được chung tay bảo vệ biên cương Tổ quốc mình.
Vừa tốt nghiệp được 8 ngày đã lên đường làm nhiệm vụ, nghĩa là các anh phải gác lại giấc mơ nghệ thuật?
Lúc tốt nghiệp, ai cũng mang trong mình khí thế được làm nghề, được cháy hết mình với nghệ thuật… Phải nói thêm rằng, thời điểm đó chúng tôi học rất điên cuồng, theo đúng nghĩa tranh nhau sàn tập để học. Nhiều hôm 1 - 2 giờ sáng vẫn thức đề chia nhau sàn tập. Khi ra trường, riêng khoá của chúng tôi được thành lập thành một đoàn. Vì thế, khi lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi cũng không tránh được những cảm giác tiếc nuối.
Thời kỳ đầu bước vào quân ngũ, việc thay đổi môi trường sống cũng khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn. Năm đầu tiên chúng tôi khá vất vả vì phải trải qua một kỳ huấn luyện đầy gian khổ. Năm thứ hai có phần đỡ hơn vì đơn vị cho tham gia một số hội diễn văn nghệ toàn quân nên công tác huấn luyện cũng được giảm bớt.
Tuy nhiên, thực tế là sau khi ra quân, chúng tôi nhận thấy 2 năm trong quân ngũ đã cho mình rất nhiều thứ. Sự chịu đựng, sự can trường, sự quyết tâm… Những ngày tháng đó làm chúng tôi thay đổi nhiều, không chỉ trong lối sống mà cả suy nghĩ của mình về cuộc đời. Tôi nghĩ, tất cả chúng tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Nghệ sĩ Trung Anh vẫn luôn nhớ về một thời khoác màu xanh áo lính.
Sau này, tôi may mắn được làm phim về người lính cũng khá nhiều. Và chính những năm tháng trong quân ngũ đã cho mình hiểu sâu sắc hơn về người lính để khi nhập vai có sự chân thật nhất.
Anh cùng đồng nghiệp nhập ngũ cùng nhau một ngày, ở với nhau cùng một đơn vị… chắc hẳn có rất nhiều kỷ niệm?
Kỷ niệm thì nhiều lắm, vui có, buồn có. Hồi đó 4 chúng tôi cùng đi với nhau nên vui nhiều hơn buồn vì đã chơi với nhau từ khi còn học chung ở Nhà hát Kịch Việt Nam.
Tôi còn nhớ, thời điểm đó mọi thứ rất khó khă và thiếu thốn. Vì thế, chuyện lâu ngày không được ăn thịt nên nhiều đồng chí trong đơn vị người bị phù lên diễn ra khá thường xuyên. Có một lần, đơn vị quyết định thịt một con lợn cho anh em cải thiện thì ăn xong rất nhiều người bị tiêu chảy vì lâu quá không được ăn thịt.
Rồi chúng tôi ở trong đội bóng của đơn vị nên trước khi ra sân thường được tiêm một liều B12 để tăng cường sức khoẻ. Nhưng dần đần thuốc B12 cũng hết nên chỉ những người chủ công mới được ưu tiên tiêm một liều.
Nhóm chúng tôi hiện vẫn còn giữ được bức ảnh chụp khi lần đầu tiên được ra khỏi đơn vị sau mấy tháng huấn luyện. Để chụp được bức ảnh này, cả 4 thằng phải đi bộ 8km từ đơn vị ra thị trấn. Bức ảnh này Trọng Trinh còn giữ được và chúng tôi chụp lại lưu làm kỷ niệm để nhớ về một thời khoác áo lính.
37 năm đã đi qua nhưng mỗi lần đến những dịp đặc biệt, chúng tôi vẫn luôn nhớ về đồng đội, nhớ những kỷ niệm của một thời được khoác lên mình màu xanh áo lính và ôn lại những câu chuyện không thể nào quên.

Nghệ sĩ Trung Anh trong phim "Đồng đội".
Trong những phim về người lính, về chiến tranh… anh từng tham gia thì ấn tượng mạnh nhất với anh là phim nào?
Một trong những phim tôi nhớ nhất đó là phim “Đồng đội” của đạo diễn Hà Sơn. Trong phim này, tôi đóng vai Cường. Đơn vị được giao nhiệm vụ đánh vào cây cầu nổi tiếng ở Nha Trang để tiến về giải phóng Sài Gòn. Trong trận đánh đó, đồng chí Đại đội trưởng hy sinh nên nhân vật của tôi được cử lên cầm quân thay.
Khi đơn vị hành quân đến cây cầu nổi tiếng ở Nha Trang thì Thái - cậu bạn thân nhất của Cường đã ôm B40 lặn sang bờ bên kia để bắn lô cốt cho đoàn quân của mình bên này tràn sang. Để đánh lạc hướng sự chú ý của quân địch, cô người yêu của Cường cũng ăn mặc rất nổi bật ra bờ sông giả vờ giặt quần áo.
Khi đứng giữa cái sống và cái chết, nhân vật Cường đã có những đắn đo, suy nghĩ… Nhưng khi người bạn thân nhất và cô người yêu hy sinh thì lòng căm thù của Cường dâng lên ngùn ngụt. Anh quyết tâm dẫn quân sang cầu bên kia để đánh bại quân địch. Vai này tôi vừa đóng vai chính, vừa phải lồng tiếng cho chính vai của mình.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.