“Vua tiếng động” Minh Tâm qua đời ở tuổi 88

(Dân trí) - Thông tin từ gia đình nghệ sĩ Minh Tâm cho biết, ông qua đời vào lúc 22h20 ngày 5/11 vì tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 88 tuổi.

Nghệ sĩ tiếng động Minh Thu - con gái nghệ sĩ Minh Tâm cho biết, tối ngày 5/1, khi đang ngồi uống nước ở quán nước gần nhà và vui đùa với con cháu thì đột nhiên nam nghệ sĩ ngã gục xuống. Mặc dù đã được các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng ông không thể qua khỏi. Nhiều năm nay, ông vẫn phải ra vào viện thường xuyên vì tuổi cao sức yếu, mắc nhiều bệnh của tuổi già và phải đặt stent tim.

“Vua tiếng động” Minh Tâm qua đời ở tuổi 88 - 1

Những người yêu mến và nể phục tài năng tạo ra tiếng động của nghệ sĩ Minh Tâm đặt cho ông biệt danh "vua tiếng động". Ảnh: VNP.

Lễ viếng nghệ sĩ Minh Tâm sẽ diễn ra từ 7h30 đến 8h30 ngày 8/11 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau lễ viếng, nghệ sĩ sẽ được an tang tại quê nhà Trát Cầu, Thường Tín, Hà Nội.

Nghệ sĩ Minh Tâm sinh năm 1931 ở Thường Tín (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Ông vốn là diễn viên lồng tiếng, từng tham gia mặt trận Tây Tiến trong kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, ông công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam (sau này là Hãng Phim truyện Việt Nam) và được giao phụ trách tiếng động.

Trong những năm tháng làm nghề, vì không có ai dạy hoặc truyền nghề nên một mình ông phải tự mày mò để tìm cách tạo ra những âm thanh khớp với hình ảnh trên phim nhất. Từng có lúc ông chán nản đến mức muốn bỏ nghề nhưng rồi niềm say mê cứ ngầm dần khiến ông gắn bó với công việc này trong hơn nửa thế kỷ.

Nhiều người nể phục khi biết “phù thuỷ tiếng động” Minh Tâm tạo ra âm thanh sống động trên phim từ những dụng cụ đơn giản: tiếng gõ mấy cái chén vào khay uống nước tạo ra tiếng cả mâm cơm bị lia đi; vẫy vẫy chiếc khăn mùi soa mà tạo ra tiếng ngọn lửa cháy phù phù; vo nhẹ túi nilong mà tạo ra tiếng mỡ cháy xèo xèo trên chảo rán…

Tiếng động trong các phim truyện nhựa của điện ảnh Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu như: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… đều có dấu ấn đôi bàn tay tài hoa của ông. Bởi lẽ đó người ta thường gọi ông là “phù thủy tiếng động”, “ông vua tiếng động”…

Ngoài phụ trách âm thanh, ông từng hóa thân vai ông giáo già - cha nhân vật Lãm - trong phim “Người Hà Nội” (1996). Ông còn đóng vai người thu tiền điện trong phim truyền hình “Ghen” (1998).

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm