Vua thăm tổ tiên, tập trận ngày đầu xuân mới (Kỳ 2)
(Dân trí) - Ngày xuân, ngoài những cuộc vui chơi thì vua Nguyễn tại Huế không quên đi viếng lăng mộ tổ tiên, vãn cảnh sông nước và thao diễn những cuộc tập trận nhằm nêu cao tinh thần thượng võ trong quân đội.
Đầu xuân, vua du thuyền sông Hương viếng lăng tẩm
Đầu Xuân Bính Thân, chúng tôi đã có cuộc tìm hiểu với nhà nghiên cứu Huế - TS. Tôn Thất Bình về một phong tục xưa các vua Nguyễn từng sống ở cố đô xưa. Đó là tục du thuyền dịp tết của vua ngắm cảnh và viếng lăng tẩm các tiên đế.
Con sông Hương là nguồn mạch đưa nhà vua và gia đình Hoàng tộc đi du ngoạn khắp nơi. Vào dịp đầu xuân, các vua Nguyễn thường đi thăm lăng tẩm, viếng phần mộ tổ tiên. Trong dịp này, toàn bộ Hoàng gia trong Hoàng thành đều tham dự, kể cả các thái giám và cung nga thể nữ. Các quan đại thần, trong những dịp này cũng được phép tháp tùng nhà vua.
Trước khi bắt đầu cuộc viễn du, nhà vua truyền cho lính dọn dẹp toàn bộ lộ trình đoàn ngự đạo sẽ đi qua. Bộ phận lo trang bị thuyền ngự phải chu toàn mọi khâu như sửa soạn khí cụ, luyện tập đội lính chèo v.v. Lăng mộ của các vua chúa Nguyễn nằm rải rác hai bên sông Hương trong vùng đồi núi tây, tây - nam nên dùng thuyền đi lại là tiện lợi nhất.
Đời vua Tự Đức có các chiếc Tế Thông, Tương Đắc, Tường Long đều rất mỹ lệ, huy hoàng, đồ sộ hơn hẳn các thuyền quan. Thuyền ngự chia thành nhiều gian: gian của vua, gian của các bà cung phi, gian của thái giám và các thể nữ, nô tỳ phục vụ. Đó thực sự là một tòa lâu đài lộng lẫy được sơn son thếp vàng, chạm khắc công phu. Thuyền rồng của vua không có lính chèo mà do 6 hoặc 8 chiếc thuyền khác kéo, mỗi thuyền có 50 đến 60 lính chèo. Ngoài ra còn có 1 chiếc thuyền con dùng để liên lạc giữa thuyền của vua với thuyền của các quan theo hầu. Riêng thuyền của của bà Từ Dũ mẹ vua Tự Đức là chiếc Yến Dư, đội lính chèo là một đoàn thị nữ.
Quang cảnh du xuân bằng thuyền trên sông Hương từng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho những người được chứng kiến đương thời. Con dông là nơi diễn ra quang cảnh náo nhiệt nhất trước khi cuộc du xuân bắt đầu. Vô số thuyền chiến và thuyền thường đủ loại trang bị những bó giáo, thương ở đoạn giữa do các quan mặc áo cánh màu đỏ hay áo dài sặc sỡ điều khiển. Tất cả các thuyền sắp thành hàng theo thứ tự đã quy định sẵn trong đám rước. Sáu chiếc thuyền dùng để kéo thuyền ngự của vua được đóng chặt vào hai hàng, im lặng đợi giờ khởi hành.
Khi công việc chuẩn bị thuyền tạm ổn, đám rước nhà vua và đoàn tháp tùng mới rời khỏi Kinh Thành. Trước kiệu vua là hai hàng lính gồm 12 người đi bộ dọn đường để kiệu vua khỏi vướng. Kiệu này gồm có một nóc xinh xắn điêu khắc công phu, thếp vàng và được đóng chặt trên một cái giá gỗ dài chạm hình con rồng uốn khúc.
Chỗ ngồi của nhà vua bên ngoài được màn lưới tơ vàng óng ả phủ kín, bên trong được lót bằng một tấm nệm mỏng có phủ một lớp gầm hoa màu vàng. Chiếc gối dựa vuông vức cũng được bọc kín bằng lụa vàng. Nhà vua đầu đội khăn đen, mình mặc áo dài nhung màu vàng và quần nhiễu đỏ thẫm, lim dim mắt ngồi trong kiệu. Chung quanh kiệu vua có 4 người đi bộ cầm bốn chiếc lọng vàng che cho kiệu nhà vua khỏi nắng. Đi sau kiệu là những người phe phẩy vĩ xua ruồi và những cái quạt lông chim to khổ. Tiếp đó, một số người mang sắc chỉ và các thị vệ chạy đằng sau kiệu. Một số kỵ binh hộ giá và hai con voi đi sau cùng.
Các vương phi đi theo nhà vua ngồi trong những chiếc kiệu màn che sáo phủ. Có đến 12 chiếc kiệu, mỗi kiệu có một hay hai người cầm lọng che nắng, được một số thị nữ mặc áo lụa dài sặc sỡ hộ vệ theo sau. Sau kiệu của các vương phi là những người đi bộ khiêng thực phẩm và dụng cụ bếp núc được cất kín trong những cái thúng hay trong những ngăn hộp hình trụ to lớn sơn đỏ hoặc vàng, có hình rồng uốn khúc. Các hộp và các thúng này do 2 hay 4 người khiêng tùy theo trọng lượng và kích thước của chúng. Mỗi hộp và mỗi thúng đều có lọng che do một người lính cầm. Đoàn người tháp tùng này đi đến các thuyền riêng neo trên sông và phải đi sau cùng của đám du xuân.
Khi nhà vua và các vương phi đã vào ngồi trong thuyền rồng, lệnh khởi hành ban bố. Cả chòm cung điện nổi xinh xắn ấy từ từ trôi trên dòng sông, hướng về phía núi. Đứng trên hai bờ sông Hương, dân chúng được xem một quang cảnh thật rộn ràng, rực rỡ. Đâu đâu người ta cũng nghe tiếng hò, tiếng đùi gõ đánh nhịp điều khiển các toán lính chèo cùng tiếng nhạc của ban nhạc Hoàng cung. Thuyền rồng của nhà vua dẫn đầu, tiếp đó là thuyền của các quan tháp tùng. Tất cả đều treo cờ, kết hoa lộng lẫy, nối đuôi nhau thành một hàng dài lướt nhẹ trên sóng nước Hương giang rực rỡ nắng vàng tươi thắm của mùa xuân.
Lễ tế cờ đầu năm mới nâng cao tinh thần thượng võ
Theo Th.s. Nguyễn Phước Hải Trung, , Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, vào sáng 11 Tết, triều đình còn tổ chức lễ Tế Kỳ đạo (tế cờ). Bộ Lễ dựng ngoài Kinh Thành (ở góc đông - nam) một cái đàn tế và thiết trí các án thờ với những bài vị ghi chữ Hán như Kỳ độc thần; Kỳ đầu đại tướng; Lục độc đại tướng; Ngũ phương kỳ v.v. Giữa đàn tế cắm một lá Kỳ đạo (cờ đầu) bằng nỉ vàng, trong lòng thêu hình long vân. Bộ Binh phái 300 lính cầm súng ống, giáo móc, bày 3 cỗ đại bác xung quanh đàn tế. Sau khi chuẩn bị xong, một viên quan võ nhất phẩm vào điện Cần Chánh bái mạng vua, lĩnh cờ mao tiết và được nhà vua sung chức chánh tế.
Đến nửa đêm, buổi lễ bắt đầu. Quan chánh tế được rước ra đàn tế chờ sẵn, chuẩn bị cho cuộc lễ. Sáng hôm sau, các quan khâm mạng mặc triều phục vào tế, dâng 3 tuần rượu. Tế xong, bắn 3 phát đại bác. Sau đó quan võ ban khâm mệnh đại thần ra lệnh xuất quân với các cuộc tập trận như bắn súng, diễn tập thuyền chiến, cưỡi voi, phi ngựa trong các đội quân quân bộ binh, thủy binh. Nhà vua thân chinh đến xem và duyệt trận.
Sau cuộc lễ này, thời gian vui Tết trong Hoàng cung Huế tính lại cũng đã già nửa tháng (từ 25 tháng chạp đến 11 tháng giêng). Một cái Tết ở chốn cung đình vào thế kỷ XIX thật sự đã khép lại. Triều đình lại tiếp tục bắt tay vào công việc với những bộn bề trước mắt, những bộn bề chống chất cho một năm mới sau hơn nửa tháng vui Tết.
Đại Dương (ghi lại)