Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội:

Vụ người mẫu Ngọc Trinh vừa qua là hiện tượng “lệch chuẩn”, cần lên án gay gắt

(Dân trí) - “Như vừa rồi chúng ta biết có hiện tượng người mẫu Ngọc Trinh dự liên hoan phim Cannes ở nước ngoài. Người này không phải được Bộ VHTT&DL cử đi mà đi theo cá nhân nhưng lại có hành vi hết sức lệch chuẩn. Chúng ta nên phê phán gay gắt hành vi này”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời phần liên quan "hiện tượng lệch chuẩn đạo đức" tại phiên chất vấn chiều 5/6.

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện có 5 phút phát biểu trước Quốc hội. Trong phần phát biểu, ông Thiện gửi lời cảm ơn Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã chỉ đạo, giám sát Bộ VHTT&DL trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Ngành VHTT&DL cũng đã cố gắng để cố gắng tròn nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, đạt được nhiều kết quả về đạo đức, lối sống, quản lý lễ hội, các lĩnh vực điện ảnh, mỹ thuật, thể thao... Thể thao đã đạt được nhiều thành tích cao trong khu vực và trên trường quốc tế. Lĩnh vực du lịch cũng đạt được nhiều kết quả khá quan trọng. Trong hai năm qua, du lịch đạt được lượng khách quốc tế tăng gấp đôi.

“Ngành văn hoá, thể thao và du lịch là ngành quan trọng, là nền tảng tinh thần của xã hội. Có thể nói, ngành luôn có nhiều vấn đề nóng. Trong báo cáo gửi Quốc hội chúng tôi đã nêu đến những vấn đề sẽ đề cập đến trong buổi chất vấn. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ cố gắng trả lời tốt nhất trong khả năng của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ.

Vụ người mẫu Ngọc Trinh vừa qua là hiện tượng “lệch chuẩn”, cần lên án gay gắt - 1

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Sau phần phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, các đại biểu lần lượt đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ VHTT&DL:

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng - TP. Hà Nội: Đảm bảo đầu tư cho văn hoá không thấp hơn 1,8%. Vậy ngành văn hoá, thể thao và du lịch có kế hoạch như thế nào?-Tại sao khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng 30% vào đầu năm nhưng cho đến nay lại tăng chậm lại?.

Đại biểu Quỳnh Giao - Kiên Giang nêu câu hỏi: “Sự kiện 152 du khách mất tích bí ẩn ở Đài Loan. Theo Bộ trưởng, trách nhiệm này thuộc về ai và hướng xử lý như thế nào? Bộ trưởng có giải pháp như thế nào để ngăn chặn những chuyện này xảy ra?”.

Đại biểu Nguyễn Văn Quyền - TP Cần Thơ: Du lịch hiện nay mới chỉ đóng góp chưa được 10% GDP, làm thế nào để du lịch trở thành ngành du lịch đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế? Thứ 2 phát triển du lịch không phải bằng mọi giá, đề nghị Bộ trưởng cho biết, cần làm gì để không xung đột giữa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với giữ gìn an ninh trật tự xã hội hiện nay?

Sau phần đặt câu hỏi của các đại biểu đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Thiện đã có phần trả lời các đại biểu:

Trả lời đại biểu Nguyễn Quốc Hưng - Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay: Du lịch tăng trong 3 năm tăng rất nhanh nhưng những tháng đầu năm tăng chậm nhưng đều trong dự báo. Với tốc độ tăng trưởng này thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành được được kế hoạch mà của Bộ chính trị đề ra trong việc đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, giải pháp tăng lượng khách quốc tế là phải đẩy mạnh quảng bá xúc tiến tại các thị trường quan trọng đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc.

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Quyền - ngành du lịch chưa đạt được 10% GDP. Đúng vậy, du lịch mới chỉ đạt 9% GDP. Đến năm 2020 sẽ đón 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế và nội địa và đóng góp 10% GDP. Có như thế ngành du lịch mới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Giải pháp, khắc phục những hạn chế trong năng lực cạnh tranh, nâng cao công tác quản lý Nhà nước về du lịch, nâng cao hạ tầng...

“Muốn phát triển du lịch bền vững thì ngành du lịch cũng như các ngành kinh tế khác đó là không phá vỡ di sản. Thời gian vừa qua, liên quan đến vấn đề phát triển nhà máy, khu du lịch... có nhiều ảnh hưởng đến vấn đề phát triển du lịch. Đây là vấn đề ngành du lịch rất lưu ý. Chuyện bảo tồn di sản trong phát triển du lịch còn tồn tại một số vấn đề. Khi phát triển thì không quan tâm đến bảo tồn, không quan tâm đến các tư vấn của các chuyên gia... Làm rất tốt rồi nhưng khi thi công thì không ai giám sát”, Bộ trưởng Thiện trả lời.

Về vụ việc ở chùa Ba Vàng, việc xử phạt hành chính đối với bà Phạm Thị Yến bị phạt 5 triệu đồng, theo quy định của pháp luật, chúng tôi thấy rằng phạt bằng tiền thì nhỏ, vấn đề cần tăng nặng xử phạt về hành chính. Quan trọng hơn là làm thế nào phải lên án, phê phán những hành vi phản văn hoá, phi đạo đức.

Về vụ 152 khách Việt bỏ trốn khi du lịch ở Đài Loan, theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đây là một “vết nhơ” của ngành du lịch và cần phải lên án, xử lý. Để xảy ra vụ việc là trách nhiệm thuộc về sự quản lý của các cơ quan nhà nước, công tác thanh tra kiểm tra chưa tốt. Ở đây cũng có sự vi phạm của các doanh nghiệp. Qua vụ việc, Bộ cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, các công ty lữ hành, đồng thời tuyên truyền xử lý vi phạm. Mặt khác cũng cẩn trọng hơn trong việc xét duyệt cấp giấy phép lữ hành quốc tế cho các công ty.

Về phát triển du lịch, hiện nay, các thủ tục hành chính phải tạo điều kiện thông thoáng, nhưng bài toán đặt ra bây giờ là thoáng phải hậu kiểm như thế nào. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các công ty lữ hành, du lịch. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, khuyến cáo khách du lịch chọn những công ty lữ hành có năng lực.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mai Bộ về vấn đề “du lịch tâm linh”, Bộ trưởng Thiện cho rằng, trong việc phân loại các sản phẩm du lịch Việt Nam, có 4 loại du lịch chính: du lịch biển, du lịch văn hoá, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Tuy nhiên, khái niệm này cũng chỉ là tương đối. Ngoài ra chúng ta có du lịch thể thao, mạo hiểm... Trong quy hoạch các khu du lịch quốc gia thì có khái niệm du lịch quốc gia. Cho nên du lịch tâm linh là khái niệm nằm trong du lịch văn hoá. Hiện nay, trong cơ sở du lịch tâm linh có chùa, cơ sở tín ngưỡng - tôn giáo.

Về chuyện “lệch chuẩn đạo đức”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ: “Vừa qua có nhiều hiện tượng lệch chuẩn mà công an đã vào cuộc xử lý một số trường hợp. Rồi có hiện tượng công dân Việt Nam ra nước ngoài cũng lệch chuẩn. Như vừa rồi chúng ta biết có hiện tượng người mẫu Ngọc Trinh dự liên hoan phim Cannes ở nước ngoài. Người này không phải được Bộ VHTT&DL cử đi mà đi theo cá nhân nhưng lại có hành vi hết sức lệch chuẩn. Chúng ta nên phê phán gay gắt hành vi này. Giải pháp thì trước mắt là đề nghị cộng đồng phải lên án, đây là hành động phản văn hoá, vi phạm cộng đồng. Bộ VHTT&DL đang nghiên cứu xử phạt hiện tượng này như thế nào”.

Trước khi bước vào phần nghỉ giải lao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở Bộ trưởng Thiện trả lời tránh rông dài, đi vào trọng tâm câu hỏi.

Vụ người mẫu Ngọc Trinh vừa qua là hiện tượng “lệch chuẩn”, cần lên án gay gắt - 2
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại buổi chất vấn chiều 5/6

Sau phần nghỉ giải lao, phiên chất vấn tiếp tục. Trả lời câu hỏi liên quan đến thương mại hóa công trình tâm linh và việc quan chức đóng góp xây dựng chùa BOT, bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết việc thực hiện các hành vi mê tín, dị đoan để trục lợi là vi phạm pháp luật cần phải lên án và xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng theo Bộ trưởng ông cũng chưa có thông tin về sự đóng góp của quan chức để xây dựng chùa nên không thể trả lời này. Bộ trưởng đề nghị đại biểu nếu có thông tin thì cung cấp cho lãnh đạo để xử lý.

Các đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đắk Lắk: Tour du lịch 0 đồng là vấn nạn do các công ty nước ngoài núp bóng gây thất thu thuế của nhà nước. Đối với du khách bị cắt giảm tour, sau khi biết bị lừa đã lên mạng nói xấu người Việt. Với trách nhiệm, Bộ đã tính toán thiệt hại như thế nào từ các tour 0 đồng và giải pháp khắc phục?

Đại biểu Mai Sỹ Chiến - Thanh Hoá: Xin Bộ trưởng cho biết tổng thu chi tiền công đức ở đền chùa mỗi năm là bao nhiêu? Kiểm soát vấn đề này ra sao?

Bộ đã ban hành Quyết định 2245 quy định không quá 3 hòm công đức tại khu thờ chính. Tuy nhiên, có nhiều điểm di tích đặt hòm công đức dày đặc và chi chít, nạn khấn thuê - cúng thuê bủa vây. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo - Nam Định: Theo báo cáo 126 Bộ Văn hoá gửi tới Quốc hội, mỗi năm chỉ cấp phép 6 cuộc thi người đẹp, người mẫu nhưng trên thực tế nhiều cuộc thi hoa khôi các cấp, cuộc thi người đẹp trá hình vẫn diễn ra. Vậy theo Bộ trưởng, mục đích các cuộc thi này là gì? Bộ trưởng có thấy các cuộc thi như vậy là tràn lan hay không và bao giờ Bộ sẽ khắc phục được triệt để vấn đề trên?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Xuân về vấn đến tour 0 đồng, theo Bộ trưởng đây là vấn đề ngành du lịch và toàn xã hội đã nhiều lần có giải pháp. Theo đó, đây thực chất là tour giá rẻ, dưới giá thành rất nhiều. Mặt trái của tour này là chủ yếu đưa khách vào các khu mua sắm mà không phải là các điểm du lịch.

Về các giải pháp, Bộ đã làm việc với các cơ quan quản lý các nước đưa khách đến để cùng quản lý các tour du lịch này. Nhiều nước có khách đến họ cũng phản đối vì tour 0 đồng ảnh hưởng đến hình ảnh của họ. Thứ 2, phải tuyên truyền để khách hiểu được mặt tiêu cực của tour 0 đồng. Đối với quản lý nhà nước, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các công ty du lịch. Sự phối hợp với các cấp ngành là rất quan trọng trong việc ngăn chặn tour 0 đồng.

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Hoà - Đồng Tháp về các vấn đề liên quan đến lễ hội và mê tín dị đoán, Bộ trưởng Thiện thừa nhận đúng là nước ta hiện có rất nhiều lễ hội. Có thể nói rằng, chúng ta đã nhiều lần nói đến quản lý và tổ chức lễ hội. Nhiều năm vừa qua, chúng ta đã xử lý các lễ hội phản cảm và có biểu hiện hành vi mê tín dị đoan đã từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn còn. Chúng ta tiếp tục lên án vì những hành vi này vi phạm pháp luật và nếp sống văn minh. Rất mong các đại biểu quốc hội góp phần vào công tác lễ hội để công tác lễ hội ngày càng tốt hơn.

Về số lượng các cuộc thi sắc hiện nay, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, một năm chúng ta tổ chức từ 1-2 cuộc thi hoa hậu tầm quốc gia, còn lại thì có khoảng 4-5 cuộc thi hoa hậu vùng miền. Số lượng này không nhiều và không vượt qua quy định trong nghị định 79. Tuy nhiên, vì mỗi cuộc thi diễn ra nhiều vòng nên có thể gây hiểu lầm cho dư luận. Bộ VHTT&DL thừa nhận, thời gian qua cũng có một số cuộc thi đã cấp phép nhưng làm không đúng, trá hình. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp thu và xử lý nghiêm.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ: Câu trả lời của Bộ trưởng với chất vấn của tôi chưa rõ. Hoạt động mê tín dị đoan ở chùa... đã tác động đến tư tưởng nhận thức văn hoá, vừa tác động trực tiếp đến người tham dự và tác động gián tiếp đến công chúng thông qua clip phát tát trên mạng. Tại sao Bộ trưởng không nghĩ là nên xem xét lại vai trò của Bộ trưởng ngành và hình thức xử lý như thế có nhẹ quá không. Có nên xem xét xử lý hình sự không?

Có nên đưa ra hình thức xử lý mang tính răn đe và mạnh tay hơn bởi sau khi xử phạt bà Yến tiếp tục phát tán clip trên mạng và thách thức dư luận?

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Trương Anh Tuấn, hiện nay hiện tượng mê tín dị đoan diễn ra công khai, theo Bộ trưởng trách nhiệm và giải pháp như nào, Bộ trưởng cho rằng, phải chống mê tín dị đoan. Tuy nhiên, có thể nói rằng, giữa mê tín dị đoan và tâm linh hoàn toàn khác nhau, ranh giới giữa mê tín dị đoan và tâm linh rất mong manh, cần có sự phân định.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng cho biết, các khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cần bảo tồn như thế nào? Trách nhiệm của Bộ VH, TT&DL để ngành du lịch thực sự trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Vũng Tàu): Đề nghị Bộ trưởng cho biết, đối với các khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cần phải tôn tạo, bảo tồn như thế nào để vừa thu hút du lịch, vừa bảo tồn được bản sắc quốc Gia. Đơn cử như khu di tích quốc gia Côn Đảo đã được công nhận 40 năm nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn, còn nhiều thiếu sót, rác thải vẫn còn xảy ra, xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp của Bộ để thời gian tới du lịch Việt Nam thực sự phát triển?

Đại biểu Phạm Văn Hoà - Đồng Tháp tranh luận rằng, ông cho phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ở câu chất vấn đều tiên của ông là trúng và đúng. Tuy nhiên, nội dung về hiện tượng kinh doanh, chùa đền... có hay không lại chưa rõ. Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Thiện trả lời rõ vấn đề này.

Việc thu chi công khai, minh bạch tại chùa - đền có thực hiện theo quy định hay không? Và cơ quan nào giám sát việc này?

Đại biểu Ngô Trung Thành Đắk Lắk: Gần đây xuất hiện nhiều tour du lịch biến tướng nhân danh chi hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… tổ chức tour du lịch miễn phí nhưng người mua hàng giá cao cắt cổ, gây tổn hại uy tín của các tổ chức. Trách nhiệm của Bộ trước tình hình này, Bộ có giải pháp như thế nào để xoá bỏ loại hình du lịch biến tướng này. Đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho ý kiến thêm về vấn đề này?

Đại biểu Trương Anh Tuấn - Nam Định cho rằng, khi đề cập đến mê tín dị đoan và tâm linh tín ngưỡng có nhiều yếu tố khác nhau là rất đúng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho là chuyện tín ngưỡng và mê tín dị đoan có ranh giới rất mong manh là xử lý chuyện này chưa kịp thời. Bộ trưởng nói khác nhau như vậy thì khác nhau như thế nào? Tín ngưỡng tâm linh là hướng về các lực lượng siêu nhiên. Mê tín dị đoan là lợi dụng tín ngưỡng đó để trục lợi.

Trả lời tranh luận của đại biểu Phạm Văn Hoà, Bộ trưởng Thiện cho rằng, có kinh doanh tâm linh hay không, vấn đề này Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị Bộ Nội vụ trả lời. Về khía cạnh Bộ Văn hoá chúng tôi chưa thấy có hiện tượng này.

Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa, Vũng Tàu), Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, di tích quốc gia Côn Đảo là di tích rất linh thiêng, quan trọng. Để bảo tồn được thì chúng ta phải có nguồn lực.

Hiện nay, Bộ VHTT không có ngân sách để phân bổ cho các địa phương. Trong phần trả lời chất vấn, Bộ đề nghị chính quyền Bà Rịa, Vũng Tàu nên dành nguồn lực để tôn tạo, nếu ngân sách tỉnh gặp khó khăn thì nhờ TW hỗ trợ. Bộ VHTT&DL rất ủng hộ đề xuất tôn tạo khu di tích này.

Liên quan đến vấn đề rác thải du lịch, chính phủ rất quan tâm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có rất nhiều chỉ đạo. Vấn đề thu gom rác thải quan trọng nhất là ý thức của người dân. Vừa rồi Thừa thiên Huế có giải thưởng liên quan đến vấn đề này. Đây là mô hình hay, cần phải nhân rộng.

Trả lời câu hỏi về vấn đề quan tâm đời sống các văn nghệ sĩ, Bộ trưởng Thiện cho hay, hiện nay, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến văn nghệ sĩ, đội ngũ trí thức, hỗ trợ kinh phí cho các hội sáng tác các tác phẩm, tuy nhiên kinh phí hạn hẹp. Có những ngành văn hoá nghệ thuật 5 năm nay không tuyển được sinh viên, các lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật truyền thống rất khó khăn.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến - Đà Nẵng: Ở nước ta có nhiều hoạt động kinh danh không được thừa nhận như: xem bói, tướng… bộ có giải pháp gì để chấn chỉnh hiện tượng mê tín dị đoan đang diễn ra hiện nay? Luật điện ảnh được sửa đổi bổ sung từ năm 2009 đến nay có nhiều điều bất hợp lý, chưa phù hợp với thực tế? Tại sao Bộ chưa đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung?

Đại biểu Bình Nhưỡng - Bến Tre: Đầu nhiệm kì tôi có 2 văn bản đề xuất: thứ nhất: Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Văn hoá công nhận Lễ hội Xuân hồng là lễ hội quốc gia. Vấn đề thứ 2 là cải thiện quy trình vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Xin Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân – Bình Dương chất vấn, thời gian qua chúng ta chứng kiến nhiều hiện tượng phản văn hoá nhưng chưa bao giờ thấy Bộ trưởng Bộ VHTTDL lên tiếng. Với tư cách là “Bộ Lễ”, xin Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này?

Gần đây, hiện tượng Khá Bảnh, XO... gây lệch lạc nhận thức và thẩm mỹ trong giới trẻ. Bên cạnh đó là chuyện cô bé 13 tuổi đóng cảnh nóng trong phim “Vợ ba” gây ồn ào trong dư luận. Phải chăng phim này là chúng ta muốn bạn bè quốc tế muốn biết về văn hoá và điện ảnh Việt Nam?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình: Xin Bộ trưởng cho biết giải gì để xây dựng lối sống văn hoá lành mạnh? Giải pháp khai thác tiềm năng lợi thế trong liên kết vùng miền để khai thác du lịch?

Đại biểu Nguyễn Tạo - Lâm Đồng: Thời gian qua có nhiều vụ việc vi phạm văn hoá, tuy nhiên việc xử lý của các cơ quan pháp luật về xử lý về vi phạm hành chính trong vấn đề văn hoá, du lịch còn lúng túng, giáo dục mang tính phòng ngừa. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng tranh luận, cho rằng Bộ trưởng Bộ VHTT và DL còn chưa thẳng thắn và chỉ thẳng ra những điểm “nghẽn” của du lịch. Đại biểu Quốc Hưng cho rằng, ngành du lịch Việt Nam chưa có sự bứt phá có nhiều nguyên nhân, trong đó nhận thức của các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên chính sách đưa ra thiếu tính đột phá, sự phối hợp liên ngành cũng chưa tốt. Đến giờ, du lịch vẫn giống như ngôi sao cô đơn. Đặc biệt, ngành mới chỉ khai thác những gì sẵn có mà chưa có những sản phẩm sáng tạo để thu hút du khách.

Đại biểu Thái Trường Giang - Cà Mau cho rằng giáo lý, giáo luật của đạo Phật không có dâng sao, giải hạn nhưng hai hiện tượng này ngang nhiên tồn tại ở nhiều nơi như chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), chùa Phúc Khánh (Hà Nội). Trách nhiệm của người đứng đầu và cá nhân Bộ trưởng như thế nào. Bộ trưởng có chủ động phối hợp với ngành Công an điều tra về vấn đề này không?

Đại biểu Thái Trường Giang - Đắk Nông: Bộ trưởng có giải pháp gì để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống như: tuồng, chèo.. đặc biệt là của các dân tộc thiểu số ở các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Văn Hưng -Thái Bình: Xu hướng của các nghệ sĩ ở các đoàn nghệ thuật ra làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân. Bộ trưởng có biết xu hướng đó không. Đại biểu Hưng cũng đặt vấn đề, có nhiều công ty du lịch đầu tư ra nước ngoài, Bộ trưởng có khuyến khích không và định hướng như thế nào?

Trả lời chất vấn của đại biểu Kim Yến (Đà Nẵng), Bộ trưởng Thiện phân tích nguyên nhân mê tín dị đoan có rất nhiều: thói quen chưa thay đổi, kẻ xấu lợi dụng… Bộ trưởng cho rằng, cần kiên quyết, kiên trì trong một thời gian dài, tăng cường quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ đã nghiên cứu Luật Văn hoá tín ngưỡng, Di sản Văn hoá, luật Hình sự… để tìm ra những văn bản Nhà nước xử lý vấn đề mê tín dị đoan.

“Liên quan đến việc viếng Lăng Bác một cách tôn nghiêm, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm việc với Bộ Tư lệnh Lăng về vấn đề này”, Bộ trưởng Thiện khẳng định.

Thông tin về Luật Điện ảnh, Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh: Khi chúng ta gia nhập WTO, Luật Điện ảnh cũng cần sửa đổi. Trong năm 2019, chúng tôi sẽ trình Quốc hội để sửa đổi Luật Điện ảnh.

17h phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL tạm nghỉ. Phiên chất vấn của Bộ trưởng BVHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện sẽ tiếp tục diễn ra vào sáng mai (6/6).

***

Tại buổi chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sẽ trả lời các nội dung: Quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh; công tác quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan; việc đầu tư, xây dựng và quản lý các công trình tâm linh; quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh; công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.

Ban Văn hoá