Vụ kiện quyền tác giả 'Sợi xích': Kiện Apple là sai 'đối tượng'?
Tuần qua vụ việc đòi Apple bồi thường vì vi phạm tác quyền "Sợi xích" của Lê Kiều Như được dư luận chú ý. Tuy nhiên, có hai vấn đề chưa được đề cập thấu đáo: "Sợi xích" có được Việt Nam công nhận quyền tác giả và đòi Apple bồi thường liệu có đúng “đối tượng”?
Với trường hợp Sợi xích của Lê Kiều Như, tác phẩm không phải cấm xuất bản hoặc bị thu hồi mà bị ngưng phát hành với lý do: chưa nộp lưu chiểu (vi phạm Luật Xuất bản). Về vấn đề này, bà Đoàn Thị Lam Luyến, nguyên Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, cho rằng với tình trạng như trên, tác phẩm Sợi xích vẫn được bảo hộ quyền tác giả.
Sợi xích vẫn đang được “bày bán” trên Apple.
Trên trang web apple.com có bảng “Điều khoản và điều kiện”, nội dung của bảng này quy định việc bán hàng và khách hàng sử dụng các dịch vụ của Apple như: iTunes Store, Mac App Store, App Store và iBook Store.
Trong mục “Li xăng (giấy phép) đối với các sản phẩm của App Store” có viết như sau: “iTunes bán cho quý khách li xăng để sử dụng các sản phẩm App Store. Có hai (2) loại sản phẩm App Store như sau: (i) các sản phẩm App Store đã được phát triển bởi Apple và được iTunes cấp li xăng cho quý khách (“sản phẩm Apple”); và (ii) các sản phẩm App Store đã được phát triển và cấp li xăng cho quý khách bởi công ty phát triển bên thứ ba (“sản phẩm bên thứ ba”)”.
Nhưng cũng trong mục này, có đoạn viết: “Người phát hành của mỗi sản phẩm bên thứ ba hoàn toàn chịu trách nhiệm về sản phẩm bên thứ ba đó”.
Nói nôm na, hệ thống bán hàng trực tuyến của Apple có thể ví như một cửa hàng lớn mà sản phẩm của bên thứ ba là sản phẩm ký gửi và bên thứ ba phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi mặt, trong đó có tác quyền.
Ông Nguyễn Thành Công cho biết, nếu Apple không trả lời thư ông đã gửi, hoặc “đẩy” trách nhiệm cho bên thứ ba, ông sẽ tiếp tục gửi cho Apple một bảng phân tích trên góc độ pháp lý. Đồng thời gửi kiến nghị đến Bộ VH,TT&DL, Bộ Thông tin Truyền thông, Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Xuất bản… nhằm đề nghị pháp luật bảo vệ theo con đường can thiệp của quốc gia. Nếu tất cả những biện pháp này không mang lại kết quả. Cuối cùng là sẽ trực tiếp nộp đơn kiện tại tòa án nơi Apple đặt trụ sở (California, Mỹ) và chấp nhận theo phán xét của tòa án Mỹ.
Theo Hải Long
Thể thao & Văn hóa