Thanh Hóa:
Vụ di tích đền Nưa bị phá bỏ, xây mới: Yêu cầu kỷ luật người đứng đầu
(Dân trí) - Liên quan đến việc di tích đền Nưa bị phá bỏ, xây mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng này.
Ngày 19/4, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vừa có ý kiến chỉ đạo xử lý vi phạm tại di tích đền Nưa, thuộc khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu, thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa.
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn chỉ đạo dừng hoàn toàn hoạt động xây dựng trong khu vực di tích đền Nưa. Đồng thời, yêu cầu kiểm tra, xác minh làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu các tổ chức, cá nhân liên quan đã để xảy ra việc tự ý thi công hoàn thiện công trình nhà tiền đường đền Nưa, khi cơ quan có thẩm quyền đang yêu cầu dừng thi công.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện trước 5/5. Bên cạnh đó, yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chức năng, nhiệm vụ của mình, trên cơ sở báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật của UBND huyện Triệu Sơn, có đề xuất và tham mưu chỉ đạo, xử lý những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả thực hiện trước 16/5.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, di tích đền Nưa nằm trong quần thể Khu Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa của Bà Triệu (gồm núi Nưa - đền Nưa - Am Tiên). Đền Nưa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2009.
Dù chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép, nhưng người trông coi đền Nưa đã tự ý phá dỡ nhà tiền đường bằng gỗ, thực hiện xây dựng các công trình bằng bê tông trong 2 năm qua. Sự việc xảy ra trong một thời gian dài, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc lập biên bản, xử phạt, tuy nhiên sau đó vẫn để tình trạng lén lút xây dựng.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian qua, không riêng gì đền Nưa, trước đó, nhiều công trình di tích cũng bị xâm hại trong quá trình trùng tu như: Nhà thờ dòng họ Lê Hữu (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa); Chùa Bạch Tượng (xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn)…
Nguyên nhân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, nhiều địa phương có xu hướng dễ "thỏa hiệp" với các đề xuất, kiến nghị của nhà tài trợ mà quên đi trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng di tích. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa nhưng không làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, để người dân tự ý thay đổi kết cấu di tích trái pháp luật, không bảo tồn được yếu tố gốc.
Trước tình trạng trên, đã có một số di tích cấp tỉnh bị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử do trong quá trình trùng tu, tôn tạo đã vi phạm khiến di tích gốc bị "xóa sổ".