“Vòng phấn Kavkaz” - Phong cách kịch Tây trên sân khấu Việt

(Dân trí) - Diễn viên không sử dụng micro, khán giả phải tuyệt đối giữ im lặng. Sân khấu không có chuyển cảnh, các diễn viên phải tự xoay xở trong tích tắc. Vở kịch bắt đầu từ khi sân khấu chưa sáng đèn, khán giả được nhắc trật tự một cách đầy ý nhị…

“Vòng phấn Kavkaz” - Phong cách “kịch Tây” trên “sân khấu ta”


Vở kịch “Vòng phấn Kavkaz” - một trong những vở kịch nổi tiếng nhất, gắn liền với tên tuổi kịch gia người Đức Bertolt Brecht (1898-1956) - vừa chính thức ra mắt khán giả thủ đô tối ngày 17/9 một cách đầy thuyết phục.

Viện Goethe phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ lần đầu tiên đã đưa tác phẩm này lên sân khấu kịch Việt Nam theo phong cách nghệ thuật hiện đại, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn trẻ người Đức Dominik Gunther.

Sân khấu của vở “Vòng phấn Kavkaz” rất đa dạng về sự tương tác giữa diễn viên và khán giả, giữa thực và ảo, giữa cổ điển và hiện đại, đem lại những trải nghiệm hoàn toàn mới lạ và thú vị về kịch nghệ sân khấu.

“Vòng phấn Kavkaz” - Tình yêu thời loạn lạc

Chiến tranh xảy ra ở xứ Gruzia, tình cảnh hỗn loạn trong dinh tổng trấn giàu có, ông hoàng bà chúa hốt hoảng gói ghém đồ đạc chạy trốn. Tổng trấn phu nhân cũng biến mất cùng đống tài sản gom vội, mặc kệ đứa con trai còn đang ẵm ngửa cho cô hầu Grusche giữa cảnh binh lính nổi loạn đang truy lùng đứa bé gắt gao.

“Vòng phấn Kavkaz” - Phong cách “kịch Tây” trên “sân khấu ta”


Grusche nhân hậu đã bao bọc, cưu mang đứa bé, hy sinh cả hạnh phúc riêng để nuôi đứa bé lớn khôn trong vô vàn gian khó và hiểm nguy, coi đứa trẻ như con đẻ của mình. Năm tháng trôi qua, bỗng một ngày tổng trấn phu nhân lại xuất hiện để đòi đứa bé vì nếu có nó, bà sẽ được cùng con thừa hưởng một gia tài lớn.

Nhưng đối với Grusche, đứa trẻ giờ đã thân thiết như máu thịt của cô. Hai người mẹ và một đứa trẻ ra đối chất trước tòa để được nghe phán quyết cuối cùng, rằng đứa trẻ sẽ thuộc về ai. Một phép thử bằng vòng phấn đã được nghĩ ra để tìm ra người mẹ đích thực cho đứa trẻ.

“Vòng phấn Kavkaz” là một vở kịch mang lại trải nghiệm mới và thú vị cho người xem Việt Nam. Được công diễn lần đầu năm 1948, dù đã gần 7 thập kỷ trôi qua nhưng sức sống của vở kịch vẫn còn rất mạnh mẽ bởi chủ đề về tình yêu thương của con người đặt trong những bối cảnh ngặt nghèo nhất vẫn luôn đầy tính nhân văn và thời sự.

Món ăn lạ trên sân khấu kịch Hà Nội

Vở kịch được đặt trong một bối cảnh không gian và thời gian hư cấu. Điều này khán giả có thể nhận thấy ở trang phục của diễn viên khi các yếu tố Đông Tây, kim cổ được kết hợp.

“Vòng phấn Kavkaz” - Phong cách “kịch Tây” trên “sân khấu ta”


Nhân vật người dẫn chuyện dẫn dắt các sự kiện trên sân khấu với sự hỗ trợ của âm nhạc điện tử. Nhân vật đặc biệt này giúp rất nhiều trong việc kết nối khán giả với sân khấu khi anh ta diễn từ khi đèn sân khấu còn chưa sáng.

Người xem sẽ không thấy có sự xuất hiện của một nhân viên nhà hát đứng ra yêu cầu khán giả trật tự trước khi vở diễn bắt đầu hay khi tiếp tục vở diễn sau giờ nghỉ giải lao, thay vào đó, người dẫn chuyện sẽ đi thăm thú khắp sân khấu như một sự báo hiệu, anh ta sắp đặt các đạo cụ, huýt sáo, “suỵt… suỵt…”, để thu hút khán giả một cách tự nhiên nhất.

Phong cách sân khấu riêng giúp kịch gia Bertolt Brecht nổi tiếng, đó là diễn viên đôi khi rời bỏ vai diễn để giao lưu trực tiếp với khán giả và qua đó khiến khán giả đào sâu suy tư chứ không chỉ thụ động xem kịch từ đầu đến cuối. Trong vở “Vòng phấn Kavkaz”, nhiệm vụ đó được giao cho người dẫn.

“Vòng phấn Kavkaz” - Phong cách “kịch Tây” trên “sân khấu ta”


Với không gian diễn xuất của diễn viên không chỉ giới hạn ở sân khấu mà còn xuống sâu cả phía khán giả ngồi, dù đây là một ý tưởng không còn mới, nhưng vẫn tạo được hiệu ứng tốt, khiến khán giả cảm thấy hấp dẫn, thú vị.

Các diễn viên cũng không dùng micro mà họ diễn hoàn toàn bằng giọng thật của mình, vì vậy, diễn viên phải chuẩn bị kỹ càng hơn, đồng thời, khán giả cũng phải nghiêm túc hơn, không có những người xì xào nói chuyện riêng, không có tiếng điện thoại vang lên “vô duyên”…

Các diễn viên được “tận dụng” triệt để, một người có thể diễn nhiều vai, chỉ thay đổi phục trang và hóa trang. Cách bố trí sân khấu tối giản nhưng vẫn đạt hiệu quả thẩm mỹ cao và đảm bảo thỏa mãn nội dung của tất cả các cảnh.

“Vòng phấn Kavkaz” - Phong cách “kịch Tây” trên “sân khấu ta”


Cùng một bố cục sân khấu ấy, cùng những đạo cụ diễn xuất ấy xuất hiện từ đầu đến cuối vở kịch, không có sự thay đổi nào đáng kể, nhưng chúng được tận dụng tối đa, mang những ý nghĩa ước lệ, tượng trưng, ví dụ một tấm phản - nhưng lúc là cái để nằm, lúc là một quầy hàng… Nhờ vậy, lực lượng phục vụ hậu trường và các chuyển cảnh diễn ra khá gọn nhẹ.

Bài: Bích Ngọc
Ảnh: Viện Goethe