Vòm cầu phố Phùng Hưng sẽ ra sao nếu được “khoác áo” bích hoạ?

(Dân trí) - Vừa qua, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tọa đàm dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng”.

Phố Phùng Hưng sẽ “khoác áo” mới vào tháng 11 tới

Theo đó, dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” được xây dựng dựa trên cơ sở chương trình “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” do 3 tổ chức nói trên triển khai từ năm 2015. Địa điểm triển khai là mặt vòm phía đông phố Phùng Hưng (đoạn từ ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh đến phố Hàng Cót), được UBND TP. Hà Nội chính thức phê duyệt theo thông báo số 930/TB-UBND 14/8/2017.

Mô hình bích hoạ trên phố Phùng Hưng.
Mô hình bích hoạ trên phố Phùng Hưng.

Toàn bộ phố Phùng Hưng có 131 cổng vòm thì đã có 4 cổng được đục ra để phục vụ giao thông, còn lại 127 cổng vòm sẽ được chia thành 3 giai đoạn để triển khai. Dự án “Bích hoạ trên phố Phùng Hưng” nằm trong giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ tác động đến các cổng vòm từ đoạn phố Phùng Hưng đến phố Hàng Cót (mở vòm để phục vụ không gian văn hoá của Hà Nội). Giai đoạn 3 sẽ tác động vào các cổng vòm từ Cửa Đông đến phố Lê Văn Linh. Theo ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thì dự án trên sẽ được triển khai ngay trong tháng 10 và sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11 tới.

Ông Park Kyoung Chul - Trưởng đại diện Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc chia sẻ, trải qua quá trình sống và làm việc tại Hà Nội, ông đã nhìn thấy cái “chất” của người Hà Nội đang hòa lẫn trong dòng chảy sôi động của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Bởi vậy, ông Park Kyoung Chul mong muốn dự án bích họa trên phố Phùng Hưng không chỉ là một dự án nghệ thuật thông thường với mục đích trang hoàng lại diện mạo của một công trình mà là diễn đàn cho nghệ sĩ hai nước sáng tạo, là một cơ hội để đánh thức những giá trị di sản văn hóa.

Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Trí Mạnh bày tỏ: “Bức tường đá Phùng Hưng là chất liệu nghệ thuật tuyệt vời tạo cảm hứng cho chúng tôi. Các tác phẩm sẽ thể hiện được bối cảnh lịch sử và bối cảnh mỹ thuật cộng đồng”.

Tuy nhiên, KTS Trần Huy Ánh lại băn khoăn, dự án đang đứng trước những thách thức lớn bởi vị trí đang đặt trong không gian cổ kính Hà Nội. Ở đó, các kiến trúc sư và nghệ sĩ hai nước đang vướng ở vấn đề diễn đạt được tài năng, tình cảm của mình dành chính cho người dân đang sống tại Phùng Hưng.

Tương tự, KTS Nguyễn Hồng Thục - Viện Bảo tồn Kiến trúc cũng cho rằng, với 127 mái vòm nên tránh nhắc tới Hồ Gươm và chợ Đồng Xuân bởi các địa điểm đã ở ngay gần. Việc trang trí phải dựa trên quan điểm về nghệ thuật không phải là bức tranh lắp ghép với nhau một cách đơn giản. Trong đó phải thêm tính liên tục của cảnh quan, ký ức. Chứ không phải ý tưởng của từng cá nhân ghép lại. Nếu đã có sự chung tay của các sinh viên nên để các em làm chủ đề.

Biến tường đá thành những tác phẩm nghệ thuật

Tại sự kiện này, BTC còn giới thiệu 11 tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc trước khi chính thức thi công tại phố Phùng Hưng. Các tác phẩm truyền tải thông điệp về một thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đang đứng trước những đổi thay lớn lao song vẫn luôn gìn giữ truyền thống và tinh hoa văn hóa để ghi dấu ấn trong lòng người dân Việt Nam cùng bạn bè quốc tế.

Trong đó, tác phẩm “Vòm đá 65” của tác giả Lê Giang đề xuất dựng một bảo tàng mini về lịch sử cây cầu Long Biên cũng như lịch sử của bức tường phố Phùng Hưng qua các thời kỳ, dưới dạng một tủ kính chịu lực trong suốt.

Những bức vẽ tái hiện lại những thời kỳ lịch sử gắn liền với con phố Phùng Hưng.
Những bức vẽ tái hiện lại những thời kỳ lịch sử gắn liền với con phố Phùng Hưng.

Tác giả Cấn Vân Anh đề xuất vẽ một bức tranh giả bức tường như chưa hề bị xây kín bít, với một con đường xuyên qua và tác giả như một thanh niên hiện đại đang đối diện với những giá trị lịch sử.

Tác giả Dương Mạnh Quyết lại đề xuất một tác phẩm sắp đặt điêu khắc như một trò chơi tương tác. Nam tác giả dựa vào ký ức về chợ xe máy Phùng Hưng từng nổi tiếng một thời những năm mở cửa sau bao cấp. Chiếc xe Honda “Kim vàng giọt lệ” thần thánh đã trở thành một biểu tượng đáng mơ ước của giá trị một đời sống mới những năm mở cửa.

Tác giả Nguyễn Thế Sơn đề xuất dựng mô hình một máy nước công cộng như trên chính con phố Phùng Hưng này đã từng có một thời những năm còn bao cấp. Câu chuyện những em bé xếp hàng chờ lấy nước gợi nhớ một kỷ niệm khó phai về một thời kỳ khó khăn của Hà Nội nhưng cũng đầy ắp ký ức đẹp về những vỉa hè lòng đường bỗng trở thành những nơi sinh hoạt chung, kết nối cộng đồng…

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đại diện cho nhóm các nghệ sĩ trong dự án nhấn mạnh rằng, đây là một dịp tốt để biến bức tường lịch sử trên phố Phùng Hưng trở thành một bối cảnh nghệ thuật của cộng đồng. Thông qua đây thu hút người xem và tạo ra sự tương tác mạnh mẽ với các hoạt động xung quanh phố đi bộ nói riêng và các hoạt động văn hóa nghệ thuật sau này nói chung. Đây cũng là một dịp để nghệ thuật cộng đồng - với nhiều yếu tố của nghệ thuật đương đại tới gần công chúng.

“Mục tiêu tương tác tối đa được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu cho tác phẩm tham dự. Sau dự án này, các bức tranh trên những vòm cầu của bức tường đá Phùng Hưng sẽ là mảnh ghép nghệ thuật thu hút người dân Việt, du khách quốc tế… trở thành một điểm nhấn văn hóa sáng tạo và thú vị tại phố cổ Hà Nội”, ông Sơn bày tỏ.

TS Đinh Hồng Hải - Đại học KHXHNV cho rằng, mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng chắc chắn hướng đi này sẽ thành công bởi đây là ý tưởng đúng đắn.

"Tôi khẳng định như vậy bởi Hà Nội phát triển nhanh quá, nhanh đến mức phá nhiều hơn xây. Chúng ta nhìn các chung cư mới xây lên tàn phá di sản đô thị khủng khiếp mà không gì ngăn cản nổi. Đã là di sản thì chỉ một viên gạch cũng là vô giá mà không gì thay thế được.

Tuy nhiên, những dự án cộng đồng này sẽ cứu vãn nổi. Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ đến nhanh nhất với công chúng. Vậy chúng ta bảo vệ bằng cách nào thì bích hoạ Phùng Hưng có ý tưởng tốt. Ý tưởng này sẽ thực hiện ra sao, tôi cho rằng cũng có điểm nhấn nhưng cũng còn nhiều vấn đề. Ở một vùng lõi với sức ép đô thị thì mỗi centimet đều là tiền.

Chúng ta sử dụng không gian ấy đưa nghệ thuật vào để phục vụ cộng đồng, người dân phải được hưởng lợi từ dự án, tạo nên không gian nghệ thuật và không gian sống mới. Người dân có thể kiếm sống được ở đó. Khi cộng đồng đã tham gia vào không gian này thì di sản sẽ được bảo tồn. Theo tôi, có hai nội dung cần thể hiện là vẽ những ô có thể thay đổi và những ô cố định về ký ức Hà Nội như bức tranh của anh Trần Hậu Yên Thế.

Đây là sân chơi nghệ thuật dành cho nghệ sĩ, người dân và những người yêu nghệ thuật. Xa hơn đây có thể là tụ điểm nghệ thuật để các nghệ sĩ triển khai ý tưởng mới. Phải đăng ký mới được vẽ. Đây có thể là nơi có thể triển khai được vô số ý tưởng như vậy", Tiến sĩ Đinh Hồng Hải nhấn mạnh.

Bà Phạm Thanh Hường - Ban văn hóa của UNESCO Việt Nam cho rằng, mỗi người có một phông văn hóa, kỷ niệm, sự kết nối khác nhau với không gian đó. Những nhân tố đó ảnh hưởng đến đánh giá của chúng ta về tác phẩm nghệ thuật. Và vì lẽ đó, việc đưa một không gian nghệ thuật vào cộng đồng không nên áp dụng quan điểm quá hàn lâm hoặc mang tính hệ thống mà cố gắng tạo điều kiện mở để mọi người được tiếp cận nghệ thuật. Từ đó, cảm nhận không gian sống nghệ thuật gắn bó, cố kết hơn.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm