Vở “Cánh chim trắng trong đêm” khiến khán giả ngổn ngang cảm xúc
(Dân trí) - Vở chèo “Cánh chim trắng trong đêm” khiến khán giả ngổn ngang cảm xúc ngay trong đêm khai mạc cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 đã diễn ra vào 20h00 ngày 24/9 tại Rạp Nhà hát Chèo Ninh Bình.
Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 lần này có sự tham gia của gần 900 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 16 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống trên toàn quốc, tổng số gồm 27 vở diễn.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời và còn tự hào là cái nôi sản sinh, phát triển một số loại hình văn hóa dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng cố đô ngàn năm như hát xẩm, hát văn, hát rằng tường... Đặc biệt là hát chèo gắn liền với tên tuổi của Ưu bà Phạm Thị Trân - một vũ ca tài ba trong hoàng cung của nhà Đinh ở thế kỷ X, người sau này được tôn vinh là bà tổ của nghệ thuật chèo truyền thống.
Trải qua hàng nghìn năm, nghệ thuật chèo luôn được lưu truyền và không ngừng phát triển, đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đặc trưng, quen thuộc của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Với những giá trị văn hóa độc đáo, nghệ thuật chèo đã và đang góp phần tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 tại Ninh Bình là dịp để các nghệ sĩ thể hiện tài năng đối với môn nghệ thuật truyền thống; chuyển tải những giá trị văn hóa sâu sắc của nghệ thuật chèo tới khán giả, góp phần trong việc lưu giữ và phát triển một trong những dòng nghệ thuật truyền thống của dân tộc đồng thời là dịp để tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tác, sáng tạo nghệ thuật; là dịp để các nghệ sĩ gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, từng bước nâng cao chất lượng nghệ thuật chèo; đưa dòng nghệ thuật truyền thống đi vào đời sống sinh hoạt văn hóa cơ sở. Đây cũng là cơ hội để Ninh Bình quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế - xã hội, văn hóa lịch sử và du lịch đến bạn bè khắp mọi miền đất nước.
NSND Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng khẳng định, nghệ thuật chèo là một loại hình sân khấu chuyên nghiệp ở trình độ cao, chiếm vị trí quan trọng trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, nghệ thuật chèo cũng như một số loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống khác, đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn đòi hỏi mỗi nhà sáng tác, quản lý nghệ thuật và mỗi nghệ sỹ chèo đều phải dốc sức dốc lòng, thổ tận can tràng, tìm ra những hướng đi mới, phản ánh được những vấn đề của cuộc sống đương đại hiện nay, đồng thời vẫn phải giữ được tinh hoa, đặc sắc của nghệ thuật chèo cổ, lưu truyền đến lớp thế hệ trẻ và cho mai sau.
Diễn ra trong 15 ngày, cuộc thi sẽ là những ngày hội của nghệ sĩ sân khấu chèo chuyên nghiệp cả nước. Những ngày hội được tạo nên từ tinh thần đoàn kết, tình đồng nghiệp, khát vọng sáng tạo để cùng nhau bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị tinh hoa của nghệ thuật chèo mà nhiều thế hệ nghệ sĩ ông cha đã tạo dựng trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh bảo vệ và dựng xây đất nước của dân tộc.
Biểu diễn trong đêm khai mạc là vở “Cánh chim trắng trong đêm” - một trong ba vở diễn tham gia Cuộc thi của Nhà hát Chèo Hà Nội. “Cánh chim trắng trong đêm” của tác giả Nguyễn Đăng Chương, chuyển thể chèo NSƯT Xuân Hanh, đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Thúy Mùi trực tiếp chỉ đạo nghệ thuật. Đây là công trình nghệ thuật chào mừng 60 năm Giải phóng Thủ đô.
“Cánh chim trắng trong đêm” đã giành 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc cá nhân cùng giải “Vở diễn xuất sắc nhất” tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất năm 2014.
Nội dung vở diễn xoay quanh ca nương Mỹ Duyên, một cô gái xinh đẹp, duyên dáng và tài năng quyết thủy chung với mối tình đầu cùng chàng trai Hà Nội - một chiến sĩ cách mạng tên Quang. Ngay cả khi rơi vào tay giặc, được viên sĩ quan Pháp Mông – đi - ê hết lòng yêu thương, chiều chuộng nhưng cô vẫn một lòng son sắt với người yêu.
Bên cạnh ca nương Mỹ Duyên, viên sĩ quan Mông - đi - ê cũng được đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang khắc họa đầy tính nhân văn. Khi đối diện với các chiến sỹ cách mạng thì Mông - đi - ê tỏ ra hung dữ, nhưng đứng trước Mỹ Duyên, viên sĩ quan Pháp đã bị “tan chảy” bởi vẻ đẹp, tài năng và tâm hồn của cô gái Việt Nam. Mông - đi - ê dí súng vào đầu Mỹ Duyên và thốt lên sự tuyệt vọng bởi không thể bắn nổi người con gái mình yêu đơn phương đến cuồng dại, cho dù chính cô đã giải thoải cho những người chiến sĩ cách mạng ngay trong Sở mật thám.
Hình ảnh Mông-đi-ê quỳ gối van xin Mỹ Duyên một lần ân ái sau bao tháng ngày ở chung phòng, vì yêu đơn phương mà Mông-đi-ê tôn trọng Mỹ Duyên không làm gì tổn hại đến cô… cho thấy hình ảnh một viên sĩ quan rất “người” chứ không chỉ hung dữ khi đóng vai trò là một chiến binh ngoài mặt trận. Đây được coi là điểm nhấn rất ấn tượng, khai thác khía cạnh vô cùng nhân văn của những con người trong chiến tranh, dù bất kỳ ở chiến tuyến nào thì cũng đều có trái tim biết rung động, yêu thương…
Một câu chuyện liên quan đến thời điểm lịch sử trọng đại của Thủ đô, được khai thác dưới góc độ nhân văn không có khói lửa chết chóc mà vẫn lột tả được sự khốc liệt của chiến tranh và lấp lánh tình yêu của con người với con người. của tình người, tình yêu và tình đồng chí trong vở diễn “Cánh chim trắng trong đêm”.
Tài diễn xuất của 3 tài năng trẻ: Quốc Phòng, NSƯT Hoài Thu, Việt Thắng, sự chuyển thể một kịch bản văn học sang chèo đậm chất nhân văn của NSƯT Xuân Hanh, sự dàn dựng công phu, tài tình, sáng tạo và đầy tâm huyết của NSND Doãng Hoàng Giang cùng dàn diễn viên nổi trội nhất của Nhà hát Chèo Hà Nội đã tạo nên sự thành công của vở diễn.
Và “Cánh chim trắng trong đêm” một lần nữa đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả và các bạn bè đồng nghiệp tham dự Lễ khai mạc cuộc thi. Trong đêm diễn đã có nhiều tràng vỗ tay giòn giã, những tiếng cười và cả những giọt nước mắt - đó là phần thưởng, là sự động viên của khán giả dành cho các nghệ sĩ, diễn viên bởi sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật truyền thống của đất nước.
Hà Tùng Long