Vở cải lương “Hừng đông” đưa thế hệ trẻ sống lại với lịch sử
(Dân trí) - Qua 3 đêm diễn tại rạp Hồng Hà, vở cải lương “Hừng đông” đã đưa khán giả cùng sống lại với lịch sử giai đoạn 1923 – 1940 qua hình tượng những người chiến sĩ cách mạng, những đảng viên, quần chúng ưu tú, toả sáng bởi lòng yêu nước, sự hy sinh to lớn không tiếc máu xương vì độc lập dân tộc.
Những người trẻ làm sống lại lịch sử
“Hừng đông” là tác phẩm về đề tài cách mạng, lại là thời lịch sử cận đại rất gần với thế hệ hôm nay. Vì thế, việc diễn cho hay, cho xúc động và chân thật quả là không dễ dàng. Với những khán giả quen xem cải lương thì hẳn sẽ bị “sốc” ngay từ cảnh đầu khi đạo diễn đưa cảnh ban nhạc trẻ 9X chơi rock mở màn câu chuyện. Đạo diễn thay vì đứng sau cánh gà lại “nhảy” lên sân khấu để bàn bạc cùng trao đổi với ban nhạc dàn dựng tác phẩm.
Cái cảm giác ấy qua mau khi chính câu chuyện của những người trẻ đương đại lại lần tìm về lịch sử và trở thành những người dẫn chuyện cùng các nghệ sĩ. Thậm chí, có lúc không kìm nén được cảm xúc, các bạn ấy còn “can thiệp” cả vào tình huống kịch trước những hiểm họa, những đe dọa đang rình rập cho nhân vật mà họ yêu quý.
Đạo diễn đã khai thác được một ưu thế rất riêng của cải lương đó là loại hình này có thể hấp thụ và tiếp nhận được những cái mới. Đó là lý do mà nhạc Jazz, Rock, Pop cùng nhiều loại hình nghệ thuật đương đại đều có thể dễ dàng bước vào sân khấu cải lương và hòa quyện cùng vở kịch. Cách làm mới này sẽ khiến cho việc kể một câu chuyện về đề tài cách mạng theo lối kể truyền thống bớt khô khan.
Qua lăng kính của nghệ thuật, tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn Triệu Trung Kiên và êkíp sáng tạo đã mang tới một quan điểm làm nghệ thuật rất mới cho sân khấu cải lương. “Hừng đông” vẫn khai thác thế mạnh về tình cảm con người nhưng lại đẩy lên lớn hơn đó là cái tình thiêng liêng của người chiến sĩ cộng sản với nhân dân, đất nước.
Người xem đã vô cùng xúc động thậm chí đã chảy nước mắt khi chứng kiến cảnh ông Phan Đăng Lưu cùng những người tù bị giam cầm, bị đánh đập dã man trong nhà tù Buôn Mê Thuột, nơi được ví như “địa ngục trần gian”, coi tính mạng tù nhân như cỏ rác; cảnh người chiến sĩ cộng sản chịu đủ những nhục hình như thời trung cổ cho đến lúc chết vẫn kiên cường, vẫn tin tưởng vào sự thành công của cách mạng.
Xúc động hơn cả lại chính là những thành viên trong nhóm nhạc Hub 9X khi cùng tham gia trình diễn với các nghệ sĩ cải lương. Đó là lý do mà một bạn trẻ trong nhóm nhạc Hub đã mạnh dạn đứng lên sân khấu và chia sẻ những suy nghĩ rất thật: “Cùng tham gia vào vở diễn, chúng cháu hiểu sâu sắc hơn về lòng yêu nước, sự phấn đấu, hy sinh to lớn của nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú ở một giai đoạn khó khăn của cách mạng Việt Nam. Chúng cháu xin phép được gửi một lời tri ân tới những người anh hùng đã ngã xuống trong lịch sử đấu tranh cách mạng. Không biết nói gì hơn, chỉ xin hãy tin ở lớp trẻ sẽ cố gắng và nỗ lực phấn đấu vì lý tưởng sống tốt đẹp”.
Đan xen giữa vở kịch là những đoạn chơi nhạc của các bạn trẻ 9X. Tiếng kèn harmonica vang lên bài Bèo dạt mây trôi như những lời sẻ chia của con người hôm nay trước sự ra đi của một chiến sĩ cách mạng người Ê Đê vô cùng xúc động.
Trước sự hy sinh của những người cộng sản khi bị mang ra pháp trường xử bắn, những câu thơ đầy ý nghĩa về quá khứ oanh liệt của dân tộc đã được các bạn trẻ ban nhạc Hub sáng tác đã hoà quyện và cháy lên bằng những giai điệu nhạc rock tha thiết. Màn “nhạc sống” của những người trẻ đã làm người xem rưng rưng xúc động bởi khát vọng được cống hiến, được làm điều gì đó cho bản thân và xã hội của thế hệ trẻ sau trải nghiệm cùng lịch sử.
Trào xúc cảm qua tiếng cười và nước mắt
Những vị khách đến xem “Hừng đông” khá đặc biệt với nhiều đối tượng khác nhau. Từ lãnh đạo, người cán bộ, cho tới những quần chúng nhân dân, những nhà trí thức, những cụ già và đặc biệt là không ít những bạn trẻ là thanh niên, sinh viên ở các trường đại học. Khai thác đề tài cách mạng nhưng qua cách kể, cách dàn dựng và ngôn ngữ nghệ thuật, hình tượng người chiến sĩ cộng sản Phan Đăng Lưu và các đồng chí, đồng bào giai đoạn Nam Kỳ khởi nghĩa hiện lên một cách chân thực, gần gũi, mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú và không nghĩ rằng cải lương lại có sức hấp dẫn đến vậy. Bên cạnh những giây phút căng thẳng để đưa ra những quyết định lớn như việc bàn về khởi nghĩa Nam Kỳ thì khán giả cũng vẫn có những lúc được thư giãn nhẹ nhàng bởi những tình huống khi vợ Phan Đăng Lưu đánh ghen với người nữ du kích hoạt động cùng ông vì hiểu nhầm hai người có tình ý.
Ở “Hừng đông”, các nghệ sĩ có cơ hội thay đổi để đi vào nhưng dạng vai diễn rất khó như: người chiến sĩ cộng sản, vai lính Tây… Hơn thế, đạo diễn còn để một số nghệ sĩ mạnh dạn cùng đóng hai, ba vai diễn trong vở như: nghệ sĩ Hoàng Tùng đảm nhiệm ba vai: Phan Đăng Dư (Bố Phan Đăng lưu), Phan Bội Châu, Ngô Đình Diệm; nghệ sĩ Minh Hải ba vai: Trần Phú, thanh tra Mô li ni, Hoàng Văn Thụ… Việc để một nghệ sĩ cùng đảm đương nhiều vai diễn với tính cách nhân vật hoàn toàn khác nhau đã mang tới không chỉ cho nghệ sĩ mà cả khán giả những trải nghiệm đầy thú vị bởi mỗi nhân vật là một số phận và một câu chuyện kể rất riêng biệt không hề liên quan đến nhau mặc dù trong cùng một vở diễn.
Nếu trung thành với nguyên tác, với tiến trình lịch sử đầy cam go của cách mạng Việt Nam giai đoạn của Nam Kỳ khởi nghĩa thì vở diễn sẽ trở nên khô cứng. Tuy nhiên, êkíp sáng tạo đã chắt lọc và nhấn được những sự kiện, tình huống để làm nổi bật tính cách hình tượng người chiến sĩ cộng sản một cách xúc cảm, tác động đến tư tưởng của người xem hôm nay.
Lương Nhi - Hà Tùng Long
Ảnh: Kim Sơn